(QNO) - Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông tại miền Trung đang được chú trọng đầu tư góp phần phát triển giao thương hàng hóa và tạo cơ sở kết nối liên vùng. Là một trong những nhà cung ứng dịch vụ logistics trọn gói hàng đầu khu vực, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc Tập đoàn THACO đã thực hiện chiến lược “liên vùng, liên vận” nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao về vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế vùng.
Kết nối hoạt động logistics
Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, là cầu nối, cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan… So với hai vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và Bắc Bộ thì Trung Bộ có tiềm năng lớn để phát triển như: quỹ đất rộng, đường ven biển dài… nhưng yếu hơn về mặt hạ tầng và nhân lực. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối nội vùng, kết nối vùng với các thành phố lớn, vùng động lực.
Mặt khác, theo các chuyên gia, điểm yếu của vùng còn nằm ở chỗ tiềm lực của mỗi địa phương bị xé lẻ, logistics hiện chỉ là “phép cộng” của các cảng biển. Việc phát triển hoạt động logistics chủ yếu là nỗ lực tự thân của doanh nghiệp; năng lực cung ứng, kết nối và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Những năm gần đây, khu vực miền Trung đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng và đã mang lại những thay đổi về kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy giao thương, các doanh nghiệp logistics cần phát triển mối liên kết hơn nữa trong khai thác lợi thế về cơ sở hạ tầng của các địa phương, tiết kiệm chi phí vận tải và quản lý, đồng thời nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Phát triển hạ tầng, tăng cường liên kết
Là doanh nghiệp logistics hàng đầu tại miền Trung, Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã đầu tư phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, cung ứng dịch vụ trọn gói gồm: dịch vụ cảng biển, vận tải biển và vận tải đường bộ. Nhờ khai thác đa dạng các hình thức vận tải và liên kết với nhiều doanh nghiệp logistics, hãng tàu lớn, THILOGI có lợi thế khi áp dụng mô hình “liên vận” hàng hóa đến các khu vực trên cả nước và xuất khẩu bằng cả đường bộ và đường biển một cách xuyên suốt, nhanh chóng.
Tại cảng Chu Lai - một đầu mối logistics tại miền Trung với vị trí giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ cảng biển đa dạng, các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa với chi phí hợp lý, thời gian tối ưu. Hiện nay, THILOGI đã trở thành đối tác logistics trọn gói phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Tây Á cho các doanh nghiệp có nguồn hàng xuất khẩu lớn như: Sun Paper Savannakhet (Lào), APFCO…
Trước nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng cao tại miền Trung, THILOGI đang đẩy mạnh chiến lược “liên vùng” để liên kết, hợp tác với các cảng biển tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Đây là một xu hướng mới mà các doanh nghiệp logistics đang hướng tới để tránh tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các cảng biển trong khu vực.
Sự liên kết cùng phát triển này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, mà về lâu dài còn tạo cơ sở thu hút đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và khu vực.
Hiện nay, THILOGI đã xây dựng một trung tâm logistics phục vụ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa với sản lượng lớn, nhưng để kết nối liên vùng, cần có những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển.
Trong chuyến công tác tại Quảng Nam vào tháng 3.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cảng Chu Lai có thể trở thành cảng trung chuyển quan trọng cho các tỉnh Tây Nguyên và một phần của Lào, đồng thời yêu cầu THACO sớm đầu tư tuyến đường ngắn nhất lên biên giới, kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia để tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận.
Mới đây, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường: Tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Chu Lai và đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam. Hai tuyến đường được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho vùng Tây Quảng Nam và Kon Tum phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa với Lào, Campuchia và Thái Lan.
Để nâng cao hiệu quả “liên vùng, liên vận”, THILOGI tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng Trung tâm Giao nhận vận chuyển tại Quảng Nam, thực hiện các đề án thành lập Depot cung cấp dịch vụ kho, bãi để tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, các trạm sửa chữa, trạm nhiên liệu và các dịch vụ phụ trợ… tại các cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) và Lệ Thanh (Gia Lai) giúp tối ưu hóa dịch vụ, mang lại sự thuận tiện cho khách hàng.
Nhằm nâng cao năng lực cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và THILOGI đang tập trung nâng cấp tuyến luồng Kỳ Hà hiện hữu, đồng thời xây dựng quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng tuyến luồng mới Cửa Lở để đón tàu trọng tải lớn; đầu tư bến cảng mới 5 vạn tấn để gia tăng khả năng tiếp nhận tàu, lưu trữ, xếp dỡ hàng hóa. Mặt khác, với chiến lược logistics đa ngành, cung ứng dịch vụ cho nhiều lĩnh vực, THILOGI đang thu hút và tạo “chân hàng” lớn, là cơ sở đưa cảng Chu Lai thành cảng container lớn nhất miền Trung.