Công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhưng nhìn lại, hiệu quả kinh tế của ngành dệt may là chưa cao mà nguyên nhân chính là chưa chủ động nguồn nguyên liệu, thị trường, công nghệ…
“Lấy công làm lời”
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2012, trong khi nhiều ngành hàng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thì tăng trưởng của ngành công nghiệp dệt may là gần 71% so năm 2011. Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành công nghiệp may mặc đạt 594,6 tỷ đồng, tăng 20,31% so với cùng kỳ. Cũng theo thống kê mới đây của Sở Công Thương, đến năm 2012, số cơ sở dệt may tăng lên 3.462, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 7,04%. Ngành dệt may trên địa bàn phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng ở khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp địa phương thực hiện cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần và đa số công ty đã thoái vốn, hoàn toàn không có vốn nhà nước.
Ngành dệt may có đóng góp quan trọng để giải quyết việc làm.Ảnh: THỤC ANH |
Toàn tỉnh hiện có 33 doanh nghiệp thuộc ngành dệt (tập trung chủ yếu ở Duy Xuyên) và 82 doanh nghiệp ngành may. Một điều đáng nói là những đóng góp của ngành dệt may vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ sử dụng lao động của ngành này. Ngành dệt may chiếm tỷ trọng 25,7% về lao động trên toàn tỉnh nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp thì thấp hơn, chỉ 5,8%. Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Ngành dệt may có những đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, hình thành nên những cơ sở công nghiệp mà tỉnh có thế mạnh. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, hiệu quả kinh tế của ngành dệt may là chưa cao. Xét trên khía cạnh năng suất lao động, ngành công nghiệp dệt may vẫn còn khá thấp”.
Không riêng các doanh nghiệp ở Quảng Nam mà cả nước nói chung, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều sản xuất theo hình thức gia công là chủ yếu. Năm 2012, ngành may mặc của tỉnh đạt 47,4 triệu sản phẩm quần áo các loại. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu và xuất sang các nước theo hợp đồng như Mỹ, EU, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông…, tiêu thụ nội địa không đáng kể. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp định hướng sản phẩm vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO thị trường xuất khẩu được mở rộng. Ngoài ra, phần lớn sản phẩm dệt may trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo hình thức gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu. Gia công chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm) chiếm tỷ trọng còn rất thấp. Theo khảo sát năm 2012, tỷ trọng gia công chiếm trên 90% và sản xuất FOB chiếm rất nhỏ, khoảng dưới 10%. Sở dĩ làm hàng FOB khó vì đòi hỏi doanh nghiệp phải thỏa mãn nhiều điều kiện khắt khe, từ công nghệ đến nhân lực, quy trình chuẩn hóa…”.
Công nghệ chưa đồng bộ
Theo khảo sát của Sở Công Thương, so với các nước thì công nghệ của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh lạc hậu hơn từ 2 - 3 thế hệ, đặc biệt là các loại máy chuyên dùng chưa được thay đổi, phát triển nhanh và đồng bộ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nhập khẩu thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến hơn, chủ yếu là các nhà máy đầu tư mới như Công ty Sài Gòn Xanh, Nhà máy May Hòa Thọ, Tuấn Đạt, Việt Vương 2 và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Ông Trần Hữu Doãn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty May Tuấn Đạt, nói: “Về vấn đề máy móc công nghệ, công ty chúng tôi hoàn toàn tự tin một khi các hiệp định được ký kết. Bởi máy móc của công ty đã được đổi mới liên tục, tiệm cận với công nghệ may mặc của thế giới”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may khi đầu tư vào công nghệ lại tiếp tục gặp khó ở yếu tố con người. Bởi các doanh nghiệp đầu tư máy móc cao nhưng lao động tuyển dụng chưa đủ nên máy móc chưa được sử dụng như Công ty Sportteam Coporation (Khu công nghiệp Thuận Yên - TP.Tam Kỳ) số lao động chỉ 294 người nhưng lại có đến 984 máy; Công ty CP May Trường Giang lao động chỉ 855 người nhưng có 1.116 máy; Công ty TNHH MTV May thêu Mạnh Tiến Quảng Nam – Điện Bàn có 614 máy nhưng chỉ có 182 lao động…
Thêm nữa, tỷ trọng công nghệ và thiết bị hiện đại được áp dụng trong ngành dệt may còn rất nhỏ bé, do đó vấn đề đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại đang là thách thức đối với ngành dệt may tỉnh trong định hướng phát triển sắp tới. Theo điều tra mới đây của nhóm khảo sát thuộc Sở Công Thương, công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may yếu và thiếu. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành may trên địa bàn tỉnh đạt 97,219 triệu USD nhưng đã phải bỏ ra gần 42 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Giá trị thu về của ngành dệt may thực sự rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt hằng năm. Cụ thể, dệt may hiện chỉ chủ động được khoảng dưới 10% nguồn nguyên phụ liệu, trong đó vải chính hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu, bông sợi phụ liệu hầu như chưa có, chỉ nhập khẩu và mua lại trong nước.
CHIÊU THỤC ANH