Phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ nấm

VĂN PHIN 29/08/2019 11:34

Huyện Núi Thành là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nghề trồng nấm do nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào và khí hậu thích hợp. Địa phương đang thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm trên địa bàn, hướng đến sản phẩm OCOP…

Mô hình nấm ở xã Tam Quang. Ảnh: Văn Phin
Mô hình nấm ở xã Tam Quang. Ảnh: Văn Phin

Nhiều mô hình sản xuất nấm

Nấm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein, vitamin và các acid amin thiết yếu, giúp người ăn giảm nguy cơ bị xơ cứng động mạch và không làm tăng lượng cholesterol trong máu... Do vậy, sản phẩm nấm có khả năng tiêu thụ mạnh ngoài thị trường trong tương lai. Thấy được ưu điểm này, huyện Núi Thành đã quan tâm đầu tư nghề trồng nấm từ năm 2014 đến nay qua các đề tài “Ứng dụng sản xuất meo giống một số nấm ăn và nấm dược liệu từ nguyên liệu vỏ, cành thứ cấp của cây keo”; “Ứng dụng công nghệ tự động hóa quản lý nhiệt độ, ẩm độ trong nhà trồng nấm” và “Ứng dụng quy trình xử lý, bảo quản, chế biến một số sản phẩm từ nấm bào ngư”. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu được Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện Núi Thành hướng dẫn giúp đỡ đã hình thành và phát triển tại các xã Tam Xuân 2, Tam Mỹ Tây, Tam Anh Bắc, Tam Giang, Tam Thạnh…

Thực tế cho thấy, từ năm 2014 đến nay nghề trồng nấm tại Núi Thành đã được đầu tư và phát triển bài bản từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đến nay, Núi Thành đã hình thành 1 cơ sở sản xuất phôi giống nấm cung ứng cho nông dân; 1 hợp tác xã chuyên sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; có khoảng 20 hộ dân trồng nấm trên địa bàn huyện với khoảng 200.000 phôi nấm/năm, sản lượng nấm sản xuất trên địa bàn huyện khoảng 60 tấn/năm. Theo kỹ sư Bùi Văn Gát – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, từ năm 2014 trở về trước, người dân còn e ngại khi sử dụng nấm, nhưng đến nay, nấm trở thành một loại thực phẩm được người tiêu dùng ưa thích, sử dụng hàng ngày chứ không chỉ tập trung vào ngày rằm, mùng một như trước. Đối tượng người sử dụng nấm trở nên rộng rãi chứ không riêng gì người ăn kiêng, ăn chay; thực đơn nấm được bổ sung rộng rãi trong các đám tiệc của người dân…

Phát triển chuỗi liên kết

Mặc dù hầu hết sản phẩm nấm làm ra ở huyện Núi Thành đều được tiêu thụ hết tại chỗ với giá bán ổn định, một số ngày nhu cầu mua nấm tăng đột biến, sản phẩm nấm không đủ bán ra thị trường. Tuy nhiên, để nghề trồng nấm phát triển ổn định, bền vững cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông sản nấm đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian và nguồn kinh phí lớn, đặc biệt là khâu công nghệ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn có suy nghĩ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực để đầu tư phát triển, không duy trì mô hình sau đầu tư… Kỹ sư Bùi Văn Gát cho biết, để phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm trên địa bàn, huyện đã đề ra 3 giải pháp chính là nguồn lực, liên kết và phát triển sản phẩm. Trong đó tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong sản xuất như trang thiết bị, phương tiện bảo quản, chế biến hiện có và trang bị mới; tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần chuyên biệt hóa từng khâu trong sản xuất nấm để đạt hiệu quả cao nhất. Cạnh đó, huyện phát triển các hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nấm, câu lạc bộ để kết nối những người sản xuất nấm với nhau. Nấm được định hướng là một sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Núi Thành để trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương được hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, nâng tầm sản phẩm và vươn tới những thị trường xa hơn.

Sau 5 năm (2014 - 2019) hình thành và phát triển, nghề trồng nấm ở huyện Núi Thành đã hình thành chuỗi giá trị trên địa bàn. Sản phẩm nấm được đầu tư về kinh phí, khoa học công nghệ từ sản xuất đến bảo quản, chế biến sau thu hoạch và nấm đã góp phần vào đa dạng hóa thực phẩm sạch tại địa phương. Bước đầu, huyện Núi Thành đã xây dựng thành công 3 sản phẩm: nấm bào ngư bảo quản tươi, nấm bào ngư sấy khô bằng công nghệ sấy lạnh và nấm bào ngư muối chua. Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành bày tỏ: “Từ những kết quả bước đầu trong nghề trồng nấm, huyện Núi Thành tiếp tục quan tâm để phát triển sản xuất nấm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nấm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp nghề trồng nấm phát triển với quy mô lớn hơn. Phòng NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai ứng dụng rộng rãi các đề tài khoa học công nghệ về nấm trên địa bàn; nhân rộng mô hình trồng nấm trong nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tham gia liên kết phát triển sản phẩm nấm; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nấm của huyện Núi Thành, về lâu dài phát triển nấm thành sản phẩm OCOP của huyện”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ nấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO