Phát triển chuỗi thực phẩm sạch: Cần thêm sự tiếp sức

VIỆT NGUYỄN 22/12/2023 13:45

Các chuỗi thực phẩm sạch duy trì hoạt động thời gian qua đã cho thấy hiệu quả, song còn nhiều khó khăn cần có sự tiếp sức của ngành chức năng.

Ông Trương Công Bạn canh tác rau theo quy trình VietGAP. Ảnh: Q.VIỆT
Ông Trương Công Bạn canh tác rau theo quy trình VietGAP. Ảnh: Q.VIỆT

Hiệu quả bước đầu

Đang vào chính vụ để cung ứng cho thị trường tết nên không khí sản xuất rau quả của người dân thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) rất nhộn nhịp. Ông Trương Công Bạn (tổ 2, thôn Hưng Mỹ) cho biết, các loại ông canh tác trên 3 sào đất sắp thu hoạch đều được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Triều (HTX Bình Triều) cam kết thu mua nên đảm bảo đầu ra, thu nhập ổn định.

“Tất cả nông hộ trong thôn đều được hướng dẫn canh tác rau theo quy trình sản xuất VietGAP, từ cách ủ phân, làm đất, phơi ải, xuống giống, sử dụng phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, tưới nước, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản bước đầu. Sau đó HTX thu mua, sơ chế rồi cung ứng ra thị trường” - ông Bạn nói.

Hầu hết người tiêu dùng khi mua sắm thường băn khoăn về rau VietGAP, rau an toàn có thực sự đảm bảo chất lượng hay không. Trên thực tế, để có thể được chứng nhận rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn, các cơ sở, HTX phải đảm bảo sản phẩm được sản xuất và thu hoạch theo một quy trình đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, thông thường cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại công đoạn sản xuất sản phẩm cuối cùng trước khi cung cấp thực phẩm ra thị trường. Sản phẩm rau an toàn, VietGAP tại cơ sở kinh doanh bán cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm phải đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

Ông Trần An Ninh - Phó Giám đốc HTX Bình Triều cho biết, HTX đang liên kết với 27 hộ dân trong thôn Hưng Mỹ để canh tác rau sạch trên 3ha đất. HTX cung cấp giống các loại rau quả cho nông hộ canh tác theo quy trình VietGAP rồi thu mua, chế biến, cung cấp cho các nhà trường, tiểu thương, khách sạn và các quầy hàng rau sạch trong, ngoài tỉnh.

HTX Bình Triều đang liên kết với người dân xã Bình Giang (Thăng Bình), Tam Thăng, Hòa Hương (Tam Kỳ) để trồng khoai môn VietGAP rồi thu mua, chế biến cung cấp cho thị trường.

“Được ngành chức năng chứng nhận rau, quả VietGAP nên hàng hóa có thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, ổn định doanh thu, lợi nhuận cho HTX và người nông dân” - ông Ninh nói.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phát triển chuỗi thực phẩm sạch nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững của tỉnh.

Ngành nông nghiệp thời gian qua đã chú trọng thông tin, truyền thông về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho các chuỗi liên kết.

Đến nay cả 6 chuỗi thực phẩm sạch (2 chuỗi nước mắm, 2 chuỗi rau, quả, 2 chuỗi thịt gà và trứng gà) đều đảm bảo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến là VietGAP và HACCP. Ngoài ra còn có 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được chứng nhận ISO22000.

“Qua kiểm tra, lấy 82 mẫu, phân tích, kết quả cho thấy sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt yêu cầu 91,46%. Sản xuất thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được đề cao” - ông Vũ nói.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm sạch, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm manh mún, nhỏ lẻ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất còn chưa đạt kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, còn không ít hạn chế trong xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn, chuỗi thực phẩm sạch.

Hiện nay, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định, ví như các chuỗi rau sạch không đáp ứng được yêu cầu đủ chủng loại rau, quả theo đơn hàng. Do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính nên khó mở rộng quy mô các chuỗi, khó bền vững. Đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm sạch còn có giá thành quá cao nên khó khẳng định vị thế, cạnh tranh trên thị trường.

“Các HTX, doanh nghiệp, chủ các chuỗi thực phẩm sạch cần tiếp cận vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tín dụng chính sách xã hội, tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp để ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại, nhất là mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh” - ông Thành nói.

Để thúc đẩy phát triển các chuỗi thực phẩm sạch, nông sản an toàn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Phát triển ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thường xuyên lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đưa sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch vào nền nếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển chuỗi thực phẩm sạch: Cần thêm sự tiếp sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO