Được biết đến là địa phương đạt được nhiều thành quả trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhưng Điện Bàn hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, hạn chế như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo môi trường, khai thác quỹ đất chưa hiệu quả...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong năm 2018, Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc đã thu hút thêm được 6 dự án đầu tư (trong đó 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), ngoài ra có 5 doanh nghiệp thuê mặt bằng, nhà xưởng để sản xuất kinh doanh trong thời hạn 1 đến 5 năm. Tại các cụm công nghiệp (CCN), trong năm nay cũng đã có 5 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, hoàn thành 7 thủ tục đầu tư cho 7 doanh nghiệp và thu hút được 8 dự án đầu tư khác. Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài KCN và CCN, UBND thị xã cũng đã thu hút được 1 dự án công nghiệp đầu tư xưởng may gia công tại xã Điện Thắng Bắc và đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Với tỷ trọng sản xuất công nghiệp hiện chiếm tới 80% cơ cấu kinh tế của thị xã, Điện Bàn còn có hơn 2.240 cơ sở (trong đó có khoảng 70 doanh nghiệp) sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngoài KCN và CCN.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thông tin: “Trong năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể nước mắm Hà Quảng (Điện Dương), qua đó Điện Bàn đã có 5 nhãn hiệu tập thể được công nhận”. Với hơn 200 hộ sản xuất trong các làng nghề (trong đó có 1 cụm làng nghề), doanh thu bình quân của làng nghề trong năm 2018 đạt hơn 7,6 tỷ đồng. Được biết, tổng mức đầu tư hạ tầng trong năm 2018 của Điện Bàn đạt 31,5 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các trục chính vào CCN.
Trăn trở cụm công nghiệp
Có chung hạn chế với tình hình trên cả nước, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ ở Điện Bàn vẫn chiếm tỷ lệ rất cao; phần lớn các dự án công nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, gia công, ít có dự án tạo ra giá trị gia tăng lớn. Với nguồn kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng còn hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp vào các CCN khá khó khăn trong khi các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào CCN còn hạn chế về nguồn lực nên rất e ngại khi phải bỏ ra khoản chi phí lớn ứng trước để giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, hiện có các doanh nghiệp tại TP.Hội An ngỏ ý muốn đầu tư sản xuất tại Cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương) nhưng do hạ tầng chưa thông thoáng nên vẫn còn lừng khừng. Ông Đỗ Việt Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết thêm: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cả trong lẫn ngoài nước đang có nhu cầu thuê nhà xưởng có sẵn với diện tích trên 2.000m2 để sản xuất. Xu hướng sắp tới ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc cũng sẽ thực hiện xây dựng các nhà xưởng này bởi diện tích lấp đầy đã đạt hơn 90%”.
Sản xuất công nghiệp đi đôi với bảo vệ, hạn chế tác động đến môi trường đang là ưu tiên hàng đầu trong xu thế hiện nay, tuy nhiên tại Điện Bàn các CCN vẫn chưa xây dựng được trạm xử lý nước thải chung (trừ CCN An Lưu đang thi công công trình, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 3.2019). Linh hoạt khuyến khích hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, tuy nhiên chính quyền địa phương hiện cũng kiểm soát chặt chẽ và buộc một doanh nghiệp tại CCN Trảng Nhật 1 phải trang bị dây chuyền khắc phục mùi hôi khi sấy nông sản và phải lập dự án đầu tư, tham vấn cộng đồng sau đó UBND thị xã xem xét bổ sung ngành nghề vào quy hoạch chi tiết để tiếp tục sản xuất.
Vấn đề lãng phí trong sử dụng đất công nghiệp cũng là nguyên nhân khiến các CCN tại Điện Bàn chưa phát triển như kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: “Hệ số sử dụng đất trong các CCN ở Điện Bàn của doanh nghiệp còn rất thấp, cao nhất chỉ khoảng 0,6 lần (tổng diện tích sàn/tổng diện tích đất của doanh nghiệp thuê) và có rất ít doanh nghiệp xây dựng tầng hầm, nhà tầng cho các khu hành chính, nhà xưởng để tiết kiệm đất công nghiệp”. Còn theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, các công trình nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân trên địa bàn thị xã hiện thiếu hụt rất nhiều. Đây là một vướng mắc trong quá trình phát triển đô thị và cả phát triển công nghiệp cần giải quyết sớm trong thời gian đến.