Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Những lợi thế về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí ở Quảng Nam không còn ở dạng tiềm năng mà đã trở thành “lực hút” cụ thể từ
Thi công lắp ráp nhà xưởng cho các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp. |
Chưa đáp ứng nhu cầu
Theo Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có hơn 1.050 cơ sở sản xuất ngành công nghiệp cơ khí, trong đó có 37 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, giải quyết việc làm cho khoảng 2.800 lao động. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm (giai đoạn 2005-2012) đạt 29,6%. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nhận xét: “Ngành công nghiệp cơ khí ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh cả về giá trị sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy số lượng không nhiều nhưng các sản phẩm cơ khí của tỉnh đang ngày càng khẳng định chất lượng và thương hiệu bởi có sự đột phá về khâu kỹ thuật trong sản xuất”. Sản phẩm cơ khí ở Quảng Nam chủ yếu sản xuất gia công các máy công cụ nhỏ cho sản xuất công nghiệp (tiện, khoan, đột, dập...), các loại máy phục vụ nông nghiệp (xay xát, tuốt lúa, máy liên hợp...), thiết bị phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (máy trộn bê tông, trộn vữa, băng tải, nghiền bi, nghiền đất...)...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại để mở rộng đầu tư sản xuất. Lý giải vấn đề này, ông Cao Xuân Dũng - chủ Doanh nghiệp cơ khí Cao Xuân Dũng cho rằng do ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp có hạn, lãi vay ngân hàng quá cao mà sản xuất mang tính đơn lẻ, sản xuất, lắp ráp gia công là chính nên doanh nghiệp ngại đầu tư. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh còn yếu, có nhiều linh kiện cần thiết doanh nghiệp phải đặt mua ở ngoài tỉnh, giá thành chi phí đội lên khá cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Theo TS. Hồ Tấn Quyền (Hội Cơ khí Quảng Nam), ngành công nghiệp cơ khí Quảng Nam còn nhiều hạn chế về trang thiết bị và trình độ công nghệ. Do thiếu vốn đầu tư nên nhiều cơ sở sản xuất sử dụng trang thiết bị chưa đồng bộ, chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm thấp và đơn điệu. Các khâu công nghệ cơ bản như đúc, rèn dập, hàn, luyện kim, gia công cơ khí, cắt gọt kim loại... còn ở trình độ thấp. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới các sản phẩm cơ khí còn hạn chế.
Động lực phát triển
Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 (vừa được UBND tỉnh thông qua) đã định hướng khá rõ nét về ngành cơ khí chế tạo. Theo đó, tại Khu Kinh tế mở Chu Lai sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó tập trung nhiều lĩnh vực cơ khí cho các ngành chế tạo công nghiệp hạng nặng trong các ngành sản xuất ô tô, chế tạo thiết bị phục vụ cảng; sản xuất các loại cấu kiện phức tạp; máy móc phục vụ xây dựng cơ bản… |
Hình thành khu công nghiệp cơ khí đa dụng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ và phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo ở Quảng Nam. Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải bước đầu hình thành và sự khởi động hàng loạt các dự án phục vụ cho sản xuất linh kiện, thiết bị ô tô tại chỗ như dự án Công ty TNHH MTV Sản xuất và kinh doanh thép Chu Lai - Trường Hải; Công ty TNHH MTV Sản xuất khung gầm thùng xe Chu Lai - Trường Hải; Công ty CP Sản xuất phụ tùng ô tô... đã tạo động lực cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô phát triển. Đặc biệt, dự án xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ tại Khu Kinh tế mở Chu Lai do Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc và Công ty CP Ô tô Trường Hải liên doanh đang xúc tiến triển khai được xem tín hiệu vui cho ngành cơ khí chế tạo phát triển. Mục tiêu của dự án là sản xuất các loại động cơ ô tô, động cơ máy nổ, máy phát điện, máy nông ngư cơ…
Cùng với triển khai các dự án Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, UBND tỉnh cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với dự án Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô tập trung Chu Lai đưa vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2013-2023. Dự án này nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, ưu tiên thu hút công nghiệp cơ khí ô tô nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển của toàn Khu Kinh tế mở Chu Lai nói riêng và nền kinh tế toàn tỉnh nói chung.
Đặng Hùng