Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Cần chính sách ưu đãi

ĐẶNG HÙNG (Thực hiện) 23/08/2014 09:09

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Quảng Nam chủ động nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị để sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu, cần xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút DN tham gia.

Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp.Ảnh: Đ.HÙNG
Ngành dệt may phát triển góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp.Ảnh: Đ.HÙNG

P.V:  Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng điểm “nghẽn” đối với ngành dệt may ở Quảng Nam hiện nay là ngành CNHT vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hóa một số loại nguyên phụ liệu còn thấp?

Ông Đinh Văn Thu: Ngành công nghiệp Quảng Nam trong những năm qua tập trung phát triển chủ yếu theo chiều rộng, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp chủ lực như: lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... Tuy nhiên các ngành này sản xuất gia công là chủ yếu, các nguyên phụ liệu, thiết bị linh kiện máy móc hầu hết nhập từ nước ngoài nên giá trị gia tăng rất thấp. Những năm qua, Quảng Nam đã ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư chuyên sản xuất các ngành CNHT như sản xuất chi tiết linh kiện, thiết bị máy móc và nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp như  lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... nhưng kết quả đạt được khá khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu cho các DN trong tỉnh.

“Ngay từ thời điểm này, không còn con đường nào khác, các DN dệt may Quảng Nam cần phải xây dựng chiến lược cụ thể, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống sang phương thức FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm), từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế...” (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu)

Đối với Quảng Nam, ngành dệt may và sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí được xác định là những ngành chủ lực trong những năm tới. Thế nhưng, hiện tại thì CNHT cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành này lại thiếu và yếu. Phần lớn các DN dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu nhiều thua thiệt hơn so với DN sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Giá trị xuất khẩu hàng dệt may tuy lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng rất thấp. Có những nguyên phụ liệu tưởng chừng như đơn giản như kim chỉ, dây néo, móc áo, bao bì, nhãn mác... nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

P.V: Một thành công nổi bật trong công tác xúc tiến đầu tư ở Quảng Nam là chương trình ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam triển khai các dự án dệt may trên địa bàn; đến nay đã có nhiều dự án lớn khởi động và đi vào hoạt động sản xuất, mở ra cơ hội mới cho ngành dệt may phát triển. Xin ông cho biết rõ hơn về kết quả này?

Ông Đinh Văn Thu: Chỉ sau 3 tháng ký kết chương trình hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và UBND tỉnh, 2 dự án đầu tiên được khởi công xây dựng là nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức được đầu tư tại huyện Hiệp Đức và nhà máy may Hòa Thọ - Phú Ninh, đầu tư tại Cụm công nghiệp Chợ Lò, huyện Phú Ninh. Đây là 2 dự án được huy động vốn đầu tư của 3 DN gồm Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Đầu tư Vinatex (Đà Nẵng) và Công ty TNHH Tuấn Đạt. Nhà máy may Hòa Thọ - Hiệp Đức được lắp đặt mới 8 dây chuyền sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng và nhà máy may Hòa Thọ - Phú Ninh với 10 chuyền may có tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, 2 nhà máy này giải quyết được gần 1.000 lao động. Cùng thời điểm này, Dệt may Hòa Thọ đã hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị khởi công thêm 2 dự án nhà máy may trong năm 2014 này. Đó là dự án nhà máy may Bình Phục (Thăng Bình) với diện tích thuê đất 6ha, lắp đặt 12 chuyền may, tạo việc làm cho 640 lao động địa phương, tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng và dự án nhà máy tại xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) với quy mô lắp đặt 10 chuyền may, giải quyết việc làm cho 600 lao động, tổng vốn giai đoạn 1 lên đến 40 tỷ đồng.

Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam triển khai các dự án dệt may trên địa bàn tỉnh.
Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam triển khai các dự án dệt may trên địa bàn tỉnh.

P.V: Để nắm bắt cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN may Quảng Nam cần chuẩn bị gì cho cuộc hội nhập này, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thu: Ngành dệt may được coi là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi TPP được ký kết, nhưng điều quan trọng là các DN dệt may ở Quảng Nam có đáp ứng được yêu cầu để hưởng lợi thế đó hay không. Ngay từ thời điểm này, không còn con đường nào khác, các DN dệt may Quảng Nam cần phải xây dựng chiến lược cụ thể, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống CMT (cắt - ráp - hoàn thiện) sang phương thức FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm), từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế. Ngoài ra, các DN dệt may cũng cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin, củng cố nguồn lực chất lượng cao, đầu tư phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý, tăng năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng tối đa cơ hội và ứng phó được với những thách thức từ TPP.

P.V:  Về phía chính quyền địa phương, Quảng Nam đã có giải pháp gì để tạo “cú hích” giúp CNHT ngành dệt may thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển công nghiệp?

Ông Đinh Văn Thu: Trước những cơ hội và thách thức trước ngưỡng cửa TPP, trong chương trình ký kết hợp tác đầu tư đối với Quảng Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang xác định Quảng Nam là một trong những tỉnh thành trọng điểm để phát triển ngành dệt may. Trong những năm đến, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc đầu tư vào địa bàn tỉnh những dự án CNHT phục vụ cho ngành dệt may với quy mô lớn, hiện đại để chủ động cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành may trong nước. Theo đó, cùng với xúc tiến triển khai đầu tư các khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tiến hành điều tra, lập dự án đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng bông trên địa bàn tỉnh. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã xác định 3 địa phương gồm Thăng Bình, Duy Xuyên và Đại Lộc có khả năng trồng bông trang trại theo công nghệ có tưới. Từ nay đến năm 2020, Dệt may Hòa Thọ sẽ tiến hành quy hoạch trồng khoảng 8.000ha cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 1.000ha cây bông.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 285/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển CNHT ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ hình thành trung tâm phát triển CNHT ngành dệt may tập trung chủ yếu tại huyện Quế Sơn và Thăng Bình (khớp nối mở rộng Khu công nghiệp Đông Quế Sơn), trong đó khu công nghiệp dệt, tẩy nhuộm tập trung tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn; tiến hành quy hoạch và kêu gọi các dự án nhà máy sản xuất xơ, sợi và dệt nhuộm; dự án sản xuất phụ liệu như chỉ, cúc, bông tấm, nhãn, móc.. tại một số cụm công nghiệp ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn.... Trước mắt, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng chiến lược thu hút đầu tư CNHT ngành dệt may và chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho CNHT ngành dệt may giai đoạn 2014 - 2020 và ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút, kêu gọi nhiều dự án CNHT ngành dệt may phát triển để thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

ĐẶNG HÙNG (Thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Cần chính sách ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO