Phát triển Công nghiệp –Thương mại: Dấu hiệu phục hồi

CHIÊU THỤC ANH 10/01/2014 10:29

Phải đối mặt với nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế vẫn còn tác động khá nặng nề nhưng ngành công thương đạt mức tăng trưởng khá, mở ra những tín hiệu lạc quan trong năm 2014.

Tăng giá trị

Năm 2013, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi. Giá cả một số mặt hàng đầu vào của sản xuất kinh doanh tăng như điện, xăng dầu, gas... tác động đến giá thành sản phẩm, sức mua của người dân cũng chững lại. Sản phẩm tồn kho cao, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến; giá một số nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của nhiều sở ban ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân sử dụng hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh... nên tình hình sản xuất công nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn và đạt mức tăng trưởng khá” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho biết. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 44.542 tỷ đồng, tăng 19,69% so với năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,55% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức bình quân của cả nước là 5,6%.

Ngành sản xuất may mặc, giày da cũng tăng trưởng khá trong năm 2013. Ảnh: C.T.A
Ngành sản xuất may mặc, giày da cũng tăng trưởng khá trong năm 2013. Ảnh: C.T.A

Theo ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), năm 2013 cũng là năm đánh dấu sự phục hồi của một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá, từng bước khẳng định được thương hiệu và sức cạnh tranh trong cả nước và khu vực như ô tô Trường Hải – Chu Lai, bia Larue, giày da, may mặc... Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Công ty CP Ô tô Trường Hải đã được Chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế nhập khẩu linh kiện trong một năm kể từ đầu tháng 7.2013 với số tiền hơn 1.214 tỷ đồng để giúp công ty có được nguồn vốn tiếp tục đầu tư phát triển. Theo Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, số lượng xe được sản xuất trong 9 tháng năm 2013 đạt 19.228 chiếc; dự kiến đến cuối năm đạt gần 28.900 chiếc, tăng 28% so với năm 2012; số lượng xe tiêu thụ trong năm dự kiến 30.644 chiếc, tăng 23% so với năm 2012. Ngành dệt may, da giày vẫn giữ được sản xuất ổn định và có tăng trưởng. Tính đến tháng 6.2013, số doanh nghiệp may đang hoạt động là 82 đơn vị, giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động. Sở Công Thương cho rằng, nhờ Quyết định số 07/2013 ngày 7.5.2013 của UBND tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến khảo sát và đầu tư vào ngành dệt may tại Quảng Nam, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Xuất khẩu hàng dệt may năm 2013 ước đạt gần 101 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ.

Xúc tiến thương mại

Có thể nói, năm 2013 là năm đánh dấu trên lĩnh vực thương mại dịch vụ khi có nhiều hoạt động bề nổi lẫn bề sâu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng, ước thực hiện 29.584 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2012. Mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, hình thức đa dạng, linh hoạt tạo thuận tiện cho lưu thông hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường. “Một số mô hình mới trong kinh doanh thương mại hiện đại như siêu thị, minimart, trung tâm thương mại... hình thành và phát triển, tạo ra sự văn minh và tiện ích cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua những phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn..., trị giá mỗi phiên chợ hàng tỷ đồng” - ông Nguyễn Quang Lâm – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua vẫn còn ì ạch, hoạt động thương mại vẫn còn gặp khó, chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. “Ở bề sâu, lần đầu tiên những vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại được đề cập và đem ra tìm cách giải quyết trong nhiều buổi làm việc của UBND, HĐND tỉnh. Hứa hẹn sẽ tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc trong thời gian sớm nhất” - ông Lê Thành Lưu, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.

Năm 2014, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đề ra của ngành trong năm là giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% so với năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 31.140 tỷ đồng, tăng 5,25%, kim ngạch xuất khẩu đạt 720 triệu USD. Để đạt được các mục tiêu đó, ngành công thương đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là tập trung bảo đảm cân đối hàng hóa, bình ổn thị trường, nhất là các loại hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong những tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Lực lượng quản lý thị trường đang ra quân tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng..., đảm bảo một cái tết vui tươi và an toàn” - ông Nguyễn Quang Thử cho biết thêm.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển Công nghiệp –Thương mại: Dấu hiệu phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO