Phát triển Đảng trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí: Cần thiết và cấp bách

PHẠM THÔNG 29/01/2013 08:46

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật, báo chí là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Tăng cường tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí là cầnthiết và cấp bách. Ảnh: TAM MỸ
Tăng cường tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí là cầnthiết và cấp bách. Ảnh: TAM MỸ

Ngoài tài năng, lương tâm nghề nghiệp, văn nghệ sĩ, nhà báo phải là đội ngũ chủ lực, tiên phong tuyên truyền, vận động toàn xã hội hưởng ứng, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên hầu hết lĩnh vực xã hội, góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy đội ngũ này là người của Đảng, chí ít cũng là người cảm tình với Đảng, ủng hộ đường lối quan điểm của Đảng, tuân thủ đúng pháp luật trong tác nghiệp và ngay cả trong đời sống cá nhân của mình. Bởi mỗi câu văn, bài văn, quyển sách, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm báo chí của họ đều có tác động nhiều hoặc ít đến tư tưởng, thái độ chính trị, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của quảng đại quần chúng. Sản phẩm trí tuệ của họ có sức lan tỏa, lay động lòng người để hướng tới mục đích mà Đảng đang lãnh đạo nhân dân thực hiện.

Trong các cuộc kháng chiến, Đảng đã chăm lo giáo dục tư tưởng, phát triển đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí. Và ngược lại, trong khi thực hiện lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo đã sản sinh đông đảo lớp đảng viên là văn nghệ sĩ, báo chí. Họ là những chiến sĩ tiên phong, xông pha ra tiền tuyến, không tiếc máu xương, vì dân, vì nước mà tác nghiệp, sáng tạo. Sản phẩm sáng tạo của họ ở thời đó là vũ khí tư tưởng sắc bén, góp phần làm nên những chiến công, những mốc son chói sáng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trong giai đoạn cách mạng mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vai trò, vị trí của đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí trong xã hội càng vô cùng quan trọng, bởi mức độ phức tạp của diễn biến xã hội, sự trừu tượng của các lằn ranh giới tư tưởng và sự đa dạng, đa phương pháp của công tác tư  tưởng. Nhưng dường như từ khi đất nước thống nhất hòa bình đến nay công tác giáo dục tư tưởng, phát triển Đảng trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí ít được quan tâm. Nói một mệnh đề ngắn gọn như vậy có vẻ võ đoán. Nhưng đó là thực tế. Tôi xin nêu một số minh chứng có tính định lượng và định tính như sau:

Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam có 180 hội viên, trong đó 30 hội viên là đảng viên, hầu hết là người công tác ở các cơ quan, ban ngành của Đảng và Nhà nước. Số hội viên còn lại, phần lớn hành nghề tự do, không có điều kiện về mặt tổ chức để phát triển Đảng. Đối với Hội Nhà báo tỉnh, tỷ lệ hội viên là đảng viên  chiếm khoảng 30%, nhưng cũng hầu hết là những phóng viên, cán bộ của các cơ quan Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng, cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam, phóng viên của các ngành công an và quân đội. Vì ở những nơi đó có chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hoặc đảng bộ của ngành quân đội, công an nên có sự chỉ đạo chặt chẽ về công tác phát triển đảng viên. Qua thông tin từ các phóng viên đại diện thường trực các báo tại tỉnh, tôi được biết tỷ lệ phóng viên ở các tờ báo này cũng rất thấp, trong khi tầm ảnh hưởng của các tờ báo này rất rộng, số lượng phát hành lớn so nhiều lần so với một tờ báo hoặc tạp chí của tỉnh. Lẽ ra, ở đó cần phải có nhiều và có tỷ lệ lớn phóng viên là đảng viên mới tương đồng với sức ảnh hưởng của tờ báo. Bởi xét cho cùng, tờ báo nào hiện nay cũng làm công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí trong tình hình hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bởi vai trò định hướng công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước ta thông qua đội ngũ nòng cốt và tiên phong trên mặt trận này và sự nhạy cảm về nhận thức của toàn xã hội đối với những sản phẩm có giá trị đặc biệt của họ. Tôi còn nhớ cách đây hơn mười năm, đội ngũ đảng viên trong nhà giáo ở Quảng Nam có tỷ lệ khoảng 10 - 12%, từ khi có Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị đến nay, tỷ lệ đó được nâng lên là 30%. Tất nhiên chất lượng đảng viên mới là mục đích cuối cùng trong công tác xây dựng Đảng. Song, công tác phát triển đảng viên phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phải tương ứng và song trùng với mức độ quan trọng, sự liên quan đến tính chính trị trong tác nghiệp của đội ngũ đó.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển Đảng trong đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí: Cần thiết và cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO