Phát triển đảng viên mới: Cách làm hay ở Bình Phục

THÀNH CHÂU 12/03/2014 08:30

Nếu như năm 2012, toàn Đảng bộ xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) chỉ kết nạp được 3 đảng viên, không đạt chỉ tiêu, thì trong năm 2013 đã kết nạp 14 quần chúng ưu tú vào Đảng. Điều này có được từ khi Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 21) về “Tăng cường, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng từ nay đến năm 2015”.

Đảng ủy xã Bình Phục khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đảng viên. Ảnh: THÀNH CHÂU
Đảng ủy xã Bình Phục khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đảng viên. Ảnh: THÀNH CHÂU

Liên tiếp trong 2 năm liền (2010 - 2012), thôn Tất Viên không phát triển được đảng viên mới nào. Trong khi đó, toàn thôn có 20 đảng viên thì đa số đang là hưu trí. Vì vậy, nhiều phong trào, hoạt động cần đến sự linh hoạt, nhạy bén của lớp trẻ không thể đáp ứng. Nhận thấy điều đó, ngay từ đầu năm 2013, cấp ủy, chi bộ thôn đã tiến hành các cuộc họp bàn về công tác xét kết nạp đảng viên mới. “Khó ở chỗ là trong thôn không có nguồn. Học sinh, sinh viên mới ra trường chủ yếu đi làm ăn xa; số thanh niên ở nhà chưa đủ chuẩn hoặc không có động cơ vào Đảng. Hơn nữa hiện nay, vẫn còn tồn tại những tư tưởng có phần cầu toàn của các đảng viên lớn tuổi, nên việc bình xét những thanh niên hội đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào Đảng gặp rất nhiều trở ngại” - ông Trương Văn Vân, Bí thư Chi bộ thôn Tất Viên nói. Từ thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy xã, cấp ủy, chi bộ thôn đã phân công trách nhiệm cho Ban công tác mặt trận phối hợp với hội đoàn thể thường xuyên theo dõi, nắm chắc tâm tư, diễn biến tư tưởng của quần chúng trong độ tuổi 20 - 25, đủ các tiêu chuẩn về đạo đức, lý lịch, trình độ học vấn, sau đó báo cáo với cấp ủy để phân công đảng viên có uy tín theo dõi, kèm cặp.

Cũng theo ông Vân, cấp ủy, chi bộ thôn có một quy định cụ thể là khi gặp gỡ với thanh niên, đảng viên phải tuyên truyền những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, kết hợp với việc giáo dục, phổ biến, phân tích, giúp cho quần chúng đó xác định đúng những động cơ khi vào Đảng, xác định cho được đối tượng đó muốn vào Đảng để làm gì, có thực sự ham muốn trở thành đảng viên hay không… “Nếu xét thấy đối tượng có nhận thức tiến bộ, động cơ vào Đảng trong sáng, chi bộ sẽ xét cho đi học lớp cảm tình Đảng và hoàn thiện các thủ tục để kết nạp vào Đảng” - ông Vân cho biết. Với quy trình cặn kẽ, đúng quy định, trong năm 2013, thôn Tất Viên đã kết nạp được 3 đảng viên mới, trong đó có một trường hợp đang học cao đẳng, 2 trường hợp còn lại đang công tác tại các ban công an và quân sự xã.

Trường hợp của đảng viên mới Võ Như Tịnh, công tác tại Ban công an xã là một ví dụ về cách làm của Chi bộ thôn Tất Viên. Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương vào năm 2002, Tịnh mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp và canh tác trên 5 sào ruộng của gia đình. Đã tốt nghiệp THPT, có lý lịch gia đình rõ ràng, nên vào thời điểm đó, nhiều cán bộ lãnh đạo ở địa phương cũng muốn tạo điều kiện cho anh được công tác và cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp chung của xã. “Thật tình tôi cũng muốn lắm, nhưng khi đưa ra tập thể, Ban công tác mặt trận thôn xét thấy tôi sinh hoạt hơi tùy tiện, chưa nhận thức được thế nào là làm công việc hành chính ở xã, nên mặc dù nhiều lần nộp hồ sơ xin vào xã vẫn không được, làm tôi hơi nhụt chí” - anh Tịnh cho biết. Đến đầu năm 2013, sau khi cấp ủy, chi bộ thôn tiến hành triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phát triển đảng viên mới, Võ Như Tịnh một lần nữa được hội đoàn thể trong thôn giới thiệu để chi bộ xét kết nạp Đảng. “Nhờ sự hướng dẫn và kèm cặp của các đảng viên trong chi bộ thôn, tôi đã nhận thức được mình vào Đảng để làm gì, từ đó bản thân tôi đã tích cực thay đổi suy nghĩ, lối sống cũng như sinh hoạt để được cống hiến” - anh Tịnh chia sẻ.

Còn tại thôn Ngọc Sơn Đông, trong năm 2013 kết nạp được 6 đảng viên mới. Điều đáng chú ý, cả 6 đảng viên mới đều nằm trong độ tuổi 20 - 24, trong đó có một thanh niên vừa nhập ngũ đợt 1 năm 2014. Ông Trần Ngọc Nhân, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Sơn Đông cho biết, sau khi đã chọn được quần chúng ưu tú, chi bộ sẽ phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Hằng tháng, ngoài việc báo cáo trình tự và những nội dung đã giúp đỡ cho quần chúng, đảng viên trực tiếp theo dõi quần chúng phải xây dựng tiếp kế hoạch tuyên truyền thời gian đến trước sự chứng kiến của toàn đảng viên trong chi bộ để tham gia góp ý, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Những kết quả trong công tác phát triển đảng từ cơ sở ở Bình Phục xuất phát từ việc ngày 5.3.2013, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết 21 về “Tăng cường, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng từ nay đến năm 2015”, với mục tiêu cụ thể, hằng năm, các tổ chức chính trị xã hội giới thiệu cho Đảng từ 10 - 15 quần chúng ưu tú, trong đó đoàn viên thanh niên chiếm đa số; Mỗi năm phấn đấu kết nạp từ 8 - 10 quần chúng ưu tú vào Đảng. Trên cơ sở nghị quyết đó, các cấp ủy, chi bộ thôn trên địa bàn xây dựng kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, để thực hiện các chỉ tiêu trên, Đảng ủy xã Bình Phục triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trước hết là giao trách nhiệm cho từng chi bộ, đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Phục - Mai Văn Vinh cho biết, trách nhiệm được giao cho các chi bộ, đảng viên gắn liền với kết quả thi đua cuối năm. Chẳng hạn, những chi bộ hoàn thành nhiệm vụ năm nhưng thiếu chủ động tạo nguồn và không kết nạp được đảng viên, sẽ không được công nhận trong sạch vững mạnh; những đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng, tạo nguồn kết nạp Đảng mà không thực hiện được, dù thực hiện các nhiệm vụ khác có tốt đến mấy cũng không được xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

THÀNH CHÂU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển đảng viên mới: Cách làm hay ở Bình Phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO