Nằm ở vị trí chiến lược Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là cửa ngõ ra biển đối với các tỉnh Tây Nguyên, Trung và Nam Lào, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để trở thành trung tâm logistics của khu vực. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây diễn ra sáng qua 4.8 tại TP.Đà Nẵng.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Thủ tướng Chính phủ mới đây thống nhất chủ trương đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D nối Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến các cảng biển Đà Nẵng và Quảng Nam đã mở ra cơ hội phát triển dịch vụ logistics kết nối các vùng Đông Bắc Thái Lan, qua Nam Lào vận chuyển hàng hóa về các cảng biển miền Trung.
Quốc lộ 14D được xem là tuyến đường bộ huyết mạch giúp nâng cao năng lực vận tải, thông thương hàng hóa. Đặc biệt, với những lợi thế, dư địa rộng lớn dọc tuyến quốc lộ 14D sẽ giúp hình thành các tổng kho hàng hóa, hoạt động logistics càng thêm thuận lợi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, do đặc thù Quảng Nam là dải đất hẹp, nhiều núi cao, diện tích đồng bằng ít, nên phải kết nối giao thông Đông Tây để tạo ra không gian phát triển gắn với Tây Nguyên và các nước Đông Dương.
Cùng với đó, Quảng Nam cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư dịch vụ logistics, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về hoàn thiện các thể chế, các quy định pháp luật về logistics, trong đó đề nghị quy hoạch, bổ sung quy hoạch hạ tầng logistics hàng không khi sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế.
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng để dịch vụ logistics phát triển chính là hạ tầng giao thông. Quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây được xem là mấu chốt để phát triển mạnh mẽ ngành logistics.
Tại Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây diễn ra sáng qua tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định, nếu hạ tầng giao thông được kết nối sẽ mở cơ hội khơi thông dòng chảy thương mại quốc tế, tạo động lực tăng trưởng cho các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông Tây hiện thực hóa tiềm năng, cơ hội đã được định hướng.
Với Quảng Nam, việc các tuyến quốc lộ kết nối Cửa khẩu quốc tế Nam Giang như 14D, 14B, 14E… được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa khu vực Nam Lào với cảng biển Đà Nẵng, Quảng Nam như Tiên Sa, Liên Chiểu, Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà, Tam Giang sẽ giúp hoạt động logistics phát triển mạnh.
Tương tự là hệ thống cảng hàng không. Mặc dù cảng hàng không trong khu vực được phân bố tương đối đồng đều giữa các địa phương nhưng hầu hết theo định hướng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa, chỉ có cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai quy hoạch trở thành cặp cảng hàng không đầu mối khu vực miền Trung nhằm khai thác, hỗ trợ nhau phục vụ nhu cầu vận tải hàng không của khu vực và phục vụ hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây được xem là những yếu tố quan trọng giúp Đà Nẵng, Quảng Nam từng bước khẳng định vai trò đầu mối vận tải và trung tâm logistics của khu vực.
Xây dựng trung tâm logistics miền Trung
Với vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển, cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn thiện, Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Đặc biệt, từ khi cảng Chu Lai do Công ty CP Ô tô Trường Hải đầu tư đi vào hoạt động, đã tạo động lực lan tỏa để phát triển đầu tư logistics của tỉnh.
Cảng Chu Lai có công suất 4 triệu tấn/năm, là cảng tổng hợp phục vụ đa dạng các nguồn hàng. Cùng với đó, các kho ngoại quan, kho hàng tổng hợp, các dịch vụ vận tải đi kèm cũng là yếu tố thuận lợi cho hoạt động logistics.
Hiện nay, cảng Chu Lai có thể tiếp nhận tàu 3 vạn tấn với chiều dài 172m. Đây được xem là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế cũng như kết nối ra biển đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia, Thái Lan.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm logistics khu vực miền Trung là mục tiêu Quảng Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, so với hai đầu đất nước, chi phí logistics của tỉnh vẫn còn khá cao (khoảng 10%) và Quảng Nam đang từng bước cải thiện, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cân bằng và cạnh tranh với hai đầu đất nước. Do đó, tiết giảm chi phí logistics là nhiệm vụ chiến lược để phát triển sản xuất tại Quảng Nam nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung thuận lợi.
Để đạt mục tiêu này, thời gian qua Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện các nội dung và giải pháp về quy hoạch như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cảng hàng không, sân bay Chu Lai trở thành trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa và các dịch vụ hàng không tầm khu vực và quốc tế gắn với phát triển khu đô thị sân bay.
Đầu tư cảng nước sâu Chu Lai với luồng cảng đáp ứng tàu 5 vạn tấn, phát triển cảng Chu Lai trở thành cảng chuyên dụng container cửa ngõ của miền Trung kết nối đường bộ thuận lợi với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và đường biển với 2 miền Nam, Bắc. Đặc biệt, đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang trở thành cửa ngõ giao lưu, giao thương vào Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myama.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng tập trung đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư…, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.