(QNO) - Sáng nay 4.8, trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2022 (EWEC Đà Nẵng 2022), tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu tham dự và phát biểu tại sự kiện.
Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ GTVT; tổ chức quốc tế các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đại diện chính quyền, doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Lào và các nước tham dự EWEC Đà Nẵng 2022…
Tại diễn đàn, hầu hết ý kiến đều khẳng định, phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước phát triển. Tuy nhiên, sau gần 25 năm hình thành EWEC (năm 1998) các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới.
Cụ thể, hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa phát triển tương xứng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu thừa nhận, từ ban đầu chi phí logistics của Quảng Nam cao hơn hai đầu đất nước trên 50%, cùng với sự phát triển của Tập đoàn Thaco – Trường Hải trên nhiều lĩnh vực, chi phí logistics chỉ còn cao hơn khoảng 10% và Quảng Nam đang từng bước cải thiện, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cân bằng và cạnh tranh với hai đầu đất nước. Do đó, tiết giảm chi phí logistics cũng là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển sản xuất tại Quảng Nam nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC cũng được xem là rất cần thiết để EWEC thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics.
Trong đó, Đà Nẵng với vị trí giao điểm của Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế Bắc Nam, là đầu cuối phía Đông của EWEC, cửa ngõ thông ra biển của vùng Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Tây Nguyên sẽ giữ vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Theo ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, đặc biệt là trung tâm kinh tế biển, gắn với đó là hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Thời gian qua Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống logistics, qua đó từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông Tây.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung như: kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, nhất là trên Hành lang kinh tế Đông – Tây. Quy mô thị trường nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường, chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp…
Diễn đàn sẽ là cơ hội gợi mở, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, đề xuất sáng kiến đóng góp vào việc hoàn thiện các điều kiện và chính sách phát triển dịch vụ logistics của các địa phương gắn với hành lang Đông Tây của các nước Myamar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong hoạt động logistics nói riêng và phát triển tuyến EWEC nói chung trong thời gian đến.