Phát triển đô thị

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 31/07/2017 08:24

Đô thị phát triển theo các nhà xã hội học chính là một đô thị mà trước hết cư dân ở đó cảm thấy họ có một cuộc sống chất lượng cao về mặt vật chất lẫn tinh thần và khách đến đó luôn có cảm giác yên tâm, thân thiện.

Theo những tiêu chí đó, hàng năm trên thế giới và châu Á đã có nhiều cuộc hội thảo, điều tra xã hội để đánh giá đô thị phát triển theo các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn theo công ty nghiên cứu về nguồn nhân lực Mercer, Zurich (1,3 triệu dân, Thụy Sĩ) là thành phố có chất lượng sống cao nhất trên thế giới trong nhiều năm liền. Các thành phố khác như Geneva (Thụy Sĩ) và Vancouver (Canada) cũng vậy. Tại châu Á, Singapore vượt qua Tokyo để trở thành nơi có chất lượng sống cao nhất châu lục nhưng vẫn đứng vị thứ 28 trên thế giới. Các thành phố Tokyo, Yokohama, Kobe, Osaka của Nhật cũng lần lượt nằm trong top 5 châu Á. Tổng cộng có 215 thành phố được Mercer xếp hạng hàng năm, với 39 tiêu chí dựa trên các yếu tố như tội phạm, ổn định chính trị, bệnh viện, giao thông, dịch vụ công, thực phẩm, nghỉ ngơi, khí hậu và tự do cá nhân...

Hội nghị các thành phố lớn ở châu Á (ANMC) đã được tổ chức hằng năm như một diễn đàn định kỳ trao đổi ý kiến về việc quản lý và xử lý những vấn đề đặt ra từ hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng. Tại hội nghị ở Bangkok gần đây,10 thành phố lớn như Hà Nội, Bangkok, New Delhi, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila, Seoul, Tokyo, Đài Bắc và Singapore đã cử đại biểu đến dự và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là duy trì một nền du lịch bền vững và phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1. Theo báo chí Thái Lan tường thuật, các nền kinh tế châu Á có mức tăng trưởng nóng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số tại đô thị tăng nhanh và gánh chịu một môi trường sống giảm sút… là những mối quan ngại đáng kể. Đó còn là nguy cơ của các bệnh dịch lây lan nhanh chóng như bệnh cúm A/H1N1. Đặc biệt, đô thị hóa còn tác động đến người nghèo vì ít được tiếp cận các điều kiện ăn ở và vệ sinh phù hợp. Hàng triệu dân nghèo ở các thành phố lớn của châu Á đang phải sống trong các khu ổ chuột, dễ lâm vào tội ác, nghiện hút hoặc bạo lực... Kinh tế phát triển ở đô thị còn thu hút làn sóng nhập cư từ nông thôn tràn đến để tìm việc làm.Không chỉ vậy, các đô thị lớn châu Á hiện nay còn thu hút lượng lớn du khách, nhất là du khách ba lô và người nước ngoài đến làm việc, thăm thú, tạo ra áp lực về dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng. Sự phát triển nóng về du lịch còn dẫn đến ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn và ách tắc giao thông... mà Bangkok (và nhiều thành phố của Việt Nam hiện nay) là một ví dụ.

Một nhà nghiên cứu của công ty Mercer, tiến sĩ Slagin Parakatil có một nhận định: “Khi kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa nhiều hơn, các thành phố mới nổi như Trung Đông hay châu Á ngày có nhiều hơn các công ty nước ngoài tới làm ăn kinh doanh và thu hút các làn sóng du khách. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân viên khi đi công tác nước ngoài, hay yên tâm khi đi du lịch, người ta đang có khuynh hướng tìm hiểu bức tranh tổng thể về chất lượng sống ở những nơi đó để đưa ra quyết định...”. Còn Jon Copestake, một nhà nghiên cứu kinh tế đô thị người Anh, nhấn mạnh: “Các thành phố cỡ trung bình ở những nước phát triển với mật đô dân cư tương đối thấp có xu hướng được đánh giá chất lượng sống cao hơn vì có lợi ích từ văn hóa và cơ sở hạ tầng; trong khi ít phải đối phó với các tệ nạn, tội phạm và nạn ách tắc giao thông...”.

Theo chúng tôi, dù nhìn trên bình diện nào, chất lượng đô thị phát triển phải hướng tới là nhằm phục vụ trước hết cho cư dân tại chỗ và tạo ra sự hài hòa về tiện ích xã hội đối với các thành phần dân cư. Đô thị phát triển không có nghĩa là có nhiều nhà cao tầng mà lại ít các công trình phúc lợi. Đô thị phát triển luôn cần có những vùng đệm sinh thái bên cạnh các cụm công nghiệp được đầu tư ở các vùng giáp ranh để giữ chân làn sóng di dân vào nội thị vốn đã chật chội. Các đô thị ở Việt Nam như Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hải Phòng, Nha Trang, Tam Kỳ, Hội An... đang có nhiều cơ hội  phát triển, do đặc trưng địa lý và các điều kiện nội tại (trong đó có cả sự đồng thuận của cư dân) tạo nên. Tuy nhiên, các đô thị ở Việt Nam thường điều chỉnh quy hoạch khi thay đổi các nhiệm kỳ lãnh đạo. Các đặc trưng của một chính quyền đô thị thường bị xem nhẹ, mặc dù nhiều nơi đã đặt ra các khẩu hiệu như “đô thị thông minh”, “thành phố đáng sống”… Thật ra, dù gọi bằng khẩu hiệu gì thì vẫn không ngoài các mục tiêu xây dựng một “đô thị phát triển” bất kể quy mô dân số nhiều hay ít.

Muốn phát triển bền vững, các đô thị có dân số trung bình khoảng 300 ngàn đến 1 triệu dân cần có một cơ quan thường trực về chiến lược phát triển đô thị được xác lập theo các tiêu chí tiên tiến và lâu dài, làm cơ quan tư vấn để tạo sự ổn định trong dài hạn. Các nhà chính trị  và quản lý đô thị cần tôn trọng chiến lược này khi lập chính sách phát triển, nhằm hạn chế “tư duy nhiệm kỳ” hay “lợi ích nhóm” chi phối khi triển khai những dự án đô thị hóa.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO