Phát triển đô thị Điện Bàn: Kết nối liên vùng

CÔNG TÚ 15/03/2014 08:10

Điện Bàn đã đặt ra nhiều giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ cho “đô thị mới”, trong đó chú trọng kết nối liên vùng với “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An là một hướng đi chiến lược.

Nhiều giải pháp

Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, địa phương luôn đề cao chất lượng quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015 tầm nhìn đến 2020, quy hoạch chung xây dựng Điện Bàn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chiến lược đầu tư sẽ theo hướng lan tỏa, thúc đẩy phát triển từ đông sang tây trong mối quan hệ tác động lẫn nhau bằng hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi. Đối với khu vực phía đông, là vùng phát triển động lực, đi trước nên cần phải ưu tiên các nguồn lực để phát triển nhanh (toàn bộ không gian từ biển kéo dài đến phía đông tuyến ĐT607A). Đối với các xã cánh tây (kể cả 3 xã vùng Gò Nổi), khu vực này tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển các thị tứ, hoặc trung tâm xã bằng các chương trình mục tiêu, chương trình nông thôn mới… Cánh tây sẽ tăng khả năng kết nối, xích lại gần với vùng phía đông thông qua các tuyến giao thông trọng điểm ĐT610B, ĐT609, ĐT608, ĐT603 và các tuyến đường huyện (ĐH) khác.

Cửa ngõ phía bắc Điện Bàn tiếp giáp Đà Nẵng qua quốc lộ 1.Ảnh: CÔNG TÚ
Cửa ngõ phía bắc Điện Bàn tiếp giáp Đà Nẵng qua quốc lộ 1.Ảnh: CÔNG TÚ

Một giải pháp quan trọng khác mà Điện Bàn xác định cần phải đổi mới là công tác lập kế hoạch, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành lập chủ trương, quy mô đầu tư, chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng, tích cực huy động nguồn đầu tư. Do khả năng nguồn lực có hạn, Điện Bàn đang nỗ lực thu hút đa dạng các nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. “Chúng tôi “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư vào các đô thị, các khu tái định cư bằng hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) là chủ yếu. Có cơ chế thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho họ. Làm sao đó phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân” - ông Trần Úc bày tỏ.

Để kết cấu hạ tầng cho đô thị Điện Bàn phát triển hoàn chỉnh trong những năm tới đây, vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước càng trở nên cấp bách. Vì vậy, huyện đặt ra nhiệm vụ trọng tâm và bắt buộc thực hiện là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi và giảm chi phí (kể cả tốn kém về thời gian) cho các nhà doanh nghiệp. Làm tốt giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án giao thông, công nghiệp, dịch vụ - du lịch, bất động sản… và xem đây là mũi nhọn cải thiện và nâng cao môi trường đầu tư. Ưu tiên kêu gọi các dự án tạo động lực lan tỏa, tránh đầu tư dàn trải...

Kết nối liên vùng

Điện Bàn - Hội An - Đà Nẵng có điều kiện kết nối cơ sở hạ tầng quốc gia và vùng. Ba đô thị có thể thông thương qua các tuyến đường bộ: ĐT605, quốc lộ 1, ĐT603, ĐT603A, ĐT607A, ĐT60B, ĐT608, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đấu nối tại Điện Thọ); đường sắt Bắc - Nam hoặc bằng đường sông Cổ Cò, Thu Bồn… Quỹ đất phát triển đô thị ở Đà Nẵng hạn chế (ngưỡng tối đa chỉ có thể đạt 1,1 - 1,2 triệu dân), “đô thị trẻ” rất cần sự hỗ trợ từ các vùng phụ cận để phát triển các ngành kinh tế tổng hợp. Trong khi đó, Hội An chịu áp lực về bảo vệ cảnh quan, kiểm soát xây dựng của thành phố di sản. Kết nối với “đô thị trẻ” và “đô thị cổ”, Điện Bàn có thể tạo ra và tận dụng cơ hội về cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ - du lịch, nhà ở, cơ sở thương mại, vùng sinh thái du lịch...

Nằm về phía bắc Quảng Nam, đô thị Điện Bàn có vị trí địa lý - kinh tế đặc biệt quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khi hiện diện trong cụm đô thị động lực Chân Mây (Thừa Thiên Huế) - Đà Nẵng - Điện Nam, Điện Ngọc - Hội An. Đây là nơi giao thoa của các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống cảng Tiên Sa, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hành lang giao thông Bắc - Nam, các khu công nghiệp tập trung, đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, bờ biển dài 7km, hệ thống làng nghề và nằm giữa 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An. Ở góc độ mối quan hệ liên vùng, “đô thị mới” này còn là điểm giao thoa mang ý nghĩa kết nối nội vùng chuỗi Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc theo trục đông tây tuyến ĐT608 và ĐT609; đồng thời kết nối ngoại vùng chuỗi Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng thông qua quốc lộ 1, tuyến 603A (đường ven biển), tuyến ĐT603, ĐT607A… Điện Bàn chỉ cách sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, ga Đà Nẵng khoảng 25km về phía bắc, tiếp giáp Hội An về phía nam. Địa phương trở thành đầu mối giao thông quan trọng nối giữa các đô thị của tỉnh và TP.Đà Nẵng.

Điện Bàn nằm giữa 2 đô thị TP.Đà Nẵng và TP.Hội An nên sự vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng và Hội An đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp. Ngược lại, Điện Bàn là địa chỉ quen thuộc cung cấp các dịch vụ việc làm, nghỉ dưỡng…, hỗ trợ chính cho Hội An, Đà Nẵng cũng như khu vực lân cận. Hướng tới tương lai, đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV này càng phải phát huy tốt yếu tố kết nối liên vùng. Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - ông Lê Trí Thanh ví von: “Chúng tôi sẽ chủ động, nỗ lực bay lên nhờ “đôi cánh” của “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An”. Theo ông Thanh, 3 đô thị vừa kết hợp vừa bổ sung cho nhau để phát triển, xứng tầm là trung tâm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể, ở phía bắc, Điện Bàn có thể liên kết với Đà Nẵng phát triển theo hướng công nghiệp, du lịch, quốc tế, dịch vụ vận tải. Phía nam và phía đông, địa phương cũng có cơ hội hợp tác cùng Hội An phát triển đô thị mới, khu ở sinh thái, du lịch quốc tế...

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển đô thị Điện Bàn: Kết nối liên vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO