Sau khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2006, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Kỳ đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt những thời cơ để xây dựng thành phố từ đô thị loại III trở thành đô thị loại II theo định hướng “tăng trưởng xanh”, xứng tầm là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Về đích từ điểm xuất phát thấp
Vào năm 2006, được công nhận là đô thị loại III nhưng diện mạo thành phố Tam Kỳ vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ với một vài tuyến phố chính như Hùng Vương, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… Hạ tầng kinh tế phát triển chưa mạnh, chỉ có Cụm công nghiệp Trường Xuân, Khu công nghiệp Thuận Yên. Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, đời sống văn hóa chưa được cải thiện đáng kể… Có thể nói, Tam Kỳ bắt tay vào công cuộc xây dựng đô thị loại II từ điểm xuất phát thấp và hành trang lên phố chỉ với những tiềm năng về điều kiện tự nhiên và nội lực là sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố.
Tam Kỳ hướng đến xây dựng đô thị xanh, hiện đại. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trước những khó khăn, thách thức của giai đoạn mới, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu phát triển Tam Kỳ từ đô thị loại III trở thành đô thị loại II sau 10 năm. Một kế hoạch phát triển với những giải pháp cụ thể đã được triển khai. Trong đó, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực và tư duy quản lý điều hành của các cấp lãnh đạo; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hài hòa. Song song với việc mở rộng các tuyến đường chính, khớp nối giao thông liên vùng, sắp xếp dân cư, chỉnh trang đô thị là việc đầu tư hình thành các khu đô thị mới, tuyến phố mới và xây dựng những công trình phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục… Nhiều dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo nên một đô thị Tam Kỳ khang trang, hiện đại hơn.
Đến cuối năm 2015, qua khảo sát, đánh giá của Bộ Xây dựng, Tam Kỳ hội đủ tiêu chí của một đô thị loại II với số điểm khá cao. Xét theo 6 tiêu chuẩn và 49 chỉ tiêu đánh giá, phân loại đô thị, TP.Tam Kỳ có 37 chỉ tiêu đạt và vượt mức quy định. Ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-TTg công nhận TP.Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây chính là thành quả to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Kỳ trong suốt chặng đường 10 năm, đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển mới.
Bằng việc tăng cường hợp tác giao lưu với các tổ chức trong và ngoài nước, cũng như tổ chức các hội thảo hợp tác phát triển đô thị đã cho Tam Kỳ cái nhìn tổng quan về tiềm năng lợi thế của chính mình, có những bài học kinh nghiệm, những giải pháp sáng tạo về phát triển thành phố trong tương lai. Và giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” do Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á trao tặng đã tạo động lực lớn cho Tam Kỳ kiên định trên con đường phát triển của mình - con đường phát triển đô thị cộng sinh với môi trường.
Phát triển đô thị xanh
Xây dựng và phát triển đô thị là một cuộc cách mạng đối với TP.Tam Kỳ. Những thành quả hôm nay tiếp tục đặt ra nhiều bài toán để thành phố cân bằng được giữa vấn đề phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị văn hóa, ổn định và phát triển văn hóa các cộng đồng dân cư… Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty Tư vấn Nikken Sekkei - Nhật Bản thực hiện được công bố vào cuối năm 2014 chính là cơ sở khoa học, tiền đề cho đô thị Tam Kỳ trong tương lai. Định hướng mở rộng không gian đô thị về phía đông nhằm khai thác các lợi thế, tiềm năng về điều kiện tự nhiên. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung triển khai xây dựng và nâng cấp hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế gắn bảo tồn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn làng quê với việc tăng cường sự tiếp cận thuận lợi các hạ tầng của người dân.
Thành phố đã có giải pháp cụ thể để triển khai xây dựng các dự án về giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, quản lý chất thải rắn, quản lý nước thải… Về giao thông, sẽ nâng cấp và hoàn thiện những tuyến giao thông đối ngoại (đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển Việt Nam đoạn qua Tam Kỳ), các trục đường chính, chiến lược (Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, N10, quốc lộ 40B, ĐT615). Về cấp nước, thành phố sẽ hoàn chỉnh nâng cấp và mở rộng Nhà máy nước Tam Kỳ lên 25.000m3/ngày đêm, đồng thời đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước sạch, tăng tỷ lệ các hộ dân sử dụng nước sạch đô thị lên hơn 90%. Về thoát nước, sẽ hoàn chỉnh xây dựng hệ thống đường ống thu gom nước thải, dự án thu gom và xử lý nước thải TP.Tam Kỳ và nhà máy xử lý nước thải công suất 8.000m3/ngày đêm, nghiên cứu đầu tư tiếp tục giai đoạn 2.
Đối với việc cấp điện và chiếu sáng công cộng: cải tạo hệ thống lưới điện phù hợp, từng bước ngầm hóa mạng lưới điện khu vực nội thị và đô thị mới, 100% tuyến phố chính được chiếu sáng và đầu tư đảm bảo chiếu sáng tất cả ngõ hẻm. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển không gian đô thị hiện hữu về phía bắc (khu vực tây bắc) và về phía nam (khu vực Hòa Hương, An Sơn), khu vực phía đông gắn với không gian phát triển ven sông Tam Kỳ. Tiếp tục đầu tư phát triển các khu - cụm công nghiệp về phía tây, đông bắc. Phát triển một phần phía đông sông Bàn Thạch gắn với tuyến Điện Biên Phủ, ĐT616, tuyến Lê Thánh Tông và khu vực ven biển.
Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố sẽ phát triển các khu vực: Khu công nghiệp Thuận Yên, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị mới Phú Bình, khu đô thị sinh thái Sông Đầm, khu dịch vụ du lịch Tỉnh Thủy. Tiếp theo, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ phát triển khu nhà vườn sinh thái Tam Ngọc, Cụm công nghiệp Trường Xuân 2, hồ điều hòa và công viên cảnh quan Trường Xuân, khu đô thị sinh thái Hòa Hương, khu đô thị Tây Bắc giai đoạn 3, khu đô thị Nam An Phú, khu khai thác thương mại dịch vụ dọc quốc lộ 40B, trục Điện Biên Phủ, Tam Kỳ - Tam Thanh. Ngoài các dự án phát triển kinh tế, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... để hướng đến một đô thị xanh, hiện đại và thông minh, thành phố cũng sẽ xúc tiến đầu tư các dự án, công trình hướng đến tăng trưởng xanh, hài hòa với môi trường thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, lưu giữ được những nét đẹp của làng quê trong phố để trở thành một đô thị xanh, sinh thái và nhân văn trong tương lai.
VĂN ANH TUẤN
(Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ)