Phát triển du lịch bền vững

VĨNH LỘC 23/11/2013 11:39

Phát triển “du lịch bền vững” trở thành yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ hài lòng của du khách đối với các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội tránh các tác nhân tiêu cực là yêu cầu thực tế hiện nay và những năm đến.

Du lịch xanh

Cũng như nhiều loại hình kinh tế khác, du lịch phát triển bên cạnh các lợi ích trước mắt cũng gây những tác động nhất định đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và xã hội như không khí, nước, các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh… Tại Quảng Nam, việc phát triển du lịch bền vững đã được nhiều nơi chú trọng, đặc biệt là TP.Hội An với chủ trương “xây dựng thành phố sinh thái” từ năm 2009 nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, hướng đến xây dựng một xã hội an toàn và thân thiện… Những năm qua, bên cạnh ưu tiên thực hiện các dự án quy hoạch như không gian, mạng lưới giao thông, cây xanh, dân số…, việc tập trung triển khai các dự án bảo tồn và nâng cao năng lực đối với cộng đồng, doanh nghiệp cũng được chú trọng. Đã có nhiều dự án được triển khai như xử lý nước thải tập trung của thành phố; dự án giảm thiểu bụi giao thông, giảm thiểu tiếng ồn trong khu phố cổ… bước đầu đạt hiệu quả tốt.

Phát triển du lịch và bảo tồn di sản vẫn luôn là vấn đề khó khăn nếu không có những kế hoạch cụ thể lâu dài.Ảnh: VĨNH LỘC
Phát triển du lịch và bảo tồn di sản vẫn luôn là vấn đề khó khăn nếu không có những kế hoạch cụ thể lâu dài.Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường Hội An, việc xử lý các vấn đề môi trường luôn là ưu tiên của thành phố, tuy nhiên, với điều kiện hiện nay cũng chỉ giải quyết tương đối chứ chưa thể dứt điểm được. “Cộng hòa Pháp đang hỗ trợ Hội An đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại Cẩm Thanh, dự kiến đến năm 2015 hoàn thành nhưng cũng chỉ xử lý được 40% lượng nước thải, 60% còn lại phải xử lý phân tán” - ông Hiền cho biết. Ngoài ra, việc xử lý rác thải tập trung cũng chưa thể làm được vì phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn quốc tế về diện tích và kỹ thuật… Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Hội An đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch dịch vụ theo hướng thân thiện với môi trường, đặc biệt sẽ không cấp phép hoạt động cho các dự án không xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn. Thành phố đang quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường tại doanh nghiệp, trong đó bắt buộc các doanh nghiệp phải cam kết bảo vệ môi trường. Các dự án khi triển khai phải đảm bảo xử lý môi trường đạt chuẩn và được kiểm tra lại trước khi khai trương”. Với những cam kết trên, đến năm 2030 Hội An sẽ định hình được mô hình thành phố sinh thái, giúp các doanh nghiệp phát triển dịch vụ xanh hướng đến tiêu tốn ít năng lượng, lợi nhuận cao, phục vụ du khách tốt hơn.

Định hướng tương lai

Đã có nhiều khái niệm về du lịch bền vững nhưng chung quy đều khẳng định du lịch bền vững sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích và phải được gắn kết nhau bởi 3 yếu tố chính: thân thiện với môi trường; có lợi nhuận; gần gũi về xã hội, văn hóa. Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Du lịch bền vững” vừa diễn ra tại Hội An (do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam  phối hợp với Văn phòng tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Quảng Nam tổ chức), những lợi ích của du lịch bền vững mang lại cũng đã được nhấn mạnh. Theo ông Randy Durband - chuyên gia tư vấn dự án SIT/ILO tại Quảng Nam, có 3 khía cạnh của du lịch bền vững mà chúng ta cần quan tâm: tài chính (lợi nhuận), môi trường, xã hội (hỗ trợ phát triển cộng đồng và chất lượng cuộc sống). Để làm được điều này, đòi hỏi các công ty lữ hành, khách sạn phải đóng vai trò chủ đạo. “Nghiên cứu cho thấy du khách châu Âu luôn quan tâm đến vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các điểm đến và sẵn sàng tăng thêm thời gian lưu trú hoặc giảm kỳ nghỉ nếu liên quan đến môi trường cần bảo vệ” - ông Randy nói.

Tại hội thảo các đại biểu đã được cung cấp bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu với những tiêu chí quy định cụ thể hướng đến 4 mục tiêu chính, gồm: quy hoạch du lịch bền vững và hiệu quả; tận dụng tối đa hiệu quả về kinh tế, xã hội cho cộng đồng địa phương; gìn giữ di sản văn hóa; giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Ông Randy cho rằng, dù mục đích hướng đến đầu tiên là các đơn vị điều hành tour và dịch vụ lưu trú nhưng có thể áp dụng được cho toàn ngành du lịch, làm cơ sở định hướng cho chương trình giáo dục và đào tạo về du lịch. Bộ tiêu chuẩn được đề xuất phải ứng dụng vào thực tiễn rộng rãi nhất, trừ khi xảy ra trường hợp đặc biệt mà một tiêu chuẩn không thể áp dụng được. Đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chuẩn này thành công không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng giá trị lợi nhuận mà còn được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ như một cách ghi nhận sự hưởng ứng của doanh nghiệp và sẽ được quan tâm gửi khách đến. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, những tiêu chí theo bộ tiêu chuẩn trên là điều mới mẻ với các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam. “Thời gian đến chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên để thống nhất cách tiếp cận mới, hướng đến xây dựng những quy chuẩn phù hợp trong việc phát triển du lịch bền vững” - ông Vân nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO