Bốn ngôi nhà nằm trong không gian Làng bích họa Trung Thanh (Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) sở hữu những bức bích họa đẹp mắt, phải đập bỏ vì lý do nhà xuống cấp. Ngay trong lúc địa phương này đang tất bật chuẩn bị cho các kỳ hội lớn, việc này thêm lần nữa đặt dấu chấm hỏi về câu chuyện quy hoạch, quản lý và nâng cao ý thức người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.
Từ Tam Thanh…
Mặc dù chưa có bản quy hoạch chính thức, nhưng Làng bích họa Trung Thanh được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn để sau này cùng với Làng không rác, Làng bách hoa, Con đường thuyền thúng… làm nên một Ngôi làng Nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Quay lại những ngày tháng 6.2016, khi dự án Làng bích họa khởi động, ông Lê Ngọc Ty, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, việc thuyết phục người dân cho phép các họa sĩ Hàn Quốc vẽ lên tường nhà mình không phải chuyện dễ dàng. “Bởi người dân lúc đó không thể hình dung về việc họ sẽ làm như thế nào với các bức vẽ trên tường nhà mình. Tuy nhiên, sau khi làng bích họa khánh thành, với số lượt du khách tìm đến đông đúc, bây giờ việc vận động người dân tham gia các hoạt động liên quan để xây dựng làng du lịch cộng đồng không còn khó” - ông Ty nói. Người dân Tam Thanh hiện tại đã bắt đầu làm quen với các kỹ năng hoạt động du lịch, từ việc dựng nên những hàng quán trong làng, xây dựng homestay hay các dịch vụ phụ trợ.
Bức bích họa sẽ bị đập bỏ gây nhiều tiếc nuối tại làng Trung Thanh, Tam Thanh. Ảnh: LÊ QUÂN |
Nhưng cũng từ đây, bắt đầu phát sinh những tính toán dài hơi hơn, theo ý muốn của người dân sở tại. Ông Nguyễn Hồng Thanh, một trong 4 gia đình đang dỡ bỏ nhà cũ để xây dựng một căn nhà mới, cho biết: “Dù rất quý bức bích họa và rất luyến tiếc khi phải đập bỏ nhưng đã hết cách giữ lại. Đất đai chật hẹp, nhà xuống cấp nghiêm trọng buộc phải làm mới. Bức tường có bích họa chắn ngay giữa phòng khách nên không thể níu kéo” - ông nói. Lý giải về việc 4 ngôi nhà đang sở hữu những bức bích họa đẹp mắt và khá thu hút du khách đập bỏ để xây nhà mới, chính quyền xã Tam Thanh cho rằng, vì chưa có quy hoạch cụ thể nên xã không thể yêu cầu người dân giữ hay làm theo cách như thế nào. “Bốn hộ này đều nằm trong các đối tượng được nhận hỗ trợ để sau này phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có 1 hộ là gia đình có công cách mạng. Trước khi xây dựng mới, người dân cũng đã thông báo và xin phép chính quyền địa phương. Bản thân họ cũng rất tiếc về những bức bích họa, nhưng vì nhà đã quá xuống cấp, địa phương cũng không còn cách nào khác” - ông Ty nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho rằng, các bức vẽ ở trên tường nhà dân và ngoài trời rất dễ bị xuống cấp khi nắng mưa, hay người dân sẽ sửa sang, xây mới nhà cửa của mình. “Cần có khoảng thời gian nhất định để đánh giá và tiếp tục tu bổ, vẽ thay thế và vẽ bổ sung thêm. Thành phố sẽ đặt vấn đề sớm với Quỹ Korea Foundation là đơn vị giúp Tam Kỳ dự án nghệ thuật này, cũng như sẽ làm việc với các chuyên gia, một số trường mỹ thuật... để có những sản phẩm du lịch mới khác bồi đắp thêm cùng với sản phẩm của làng bích họa” - ông Nam cho biết.
Quy hoạch và quản lý sau quy hoạch
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện tại các địa phương đã, đang đi theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, đều ít nhiều gặp phải vấn đề về quy hoạch và quản lý sau quy hoạch. Ông Cường cho rằng, Tam Thanh hiện tại vẫn chưa có quy hoạch, nên không thể buộc người dân phải làm gì để giữ lại hiện trạng ngôi làng. “Chưa quy hoạch thì dân làm theo ý mình là điều đương nhiên. Quy hoạch, sắp xếp để phát triển du lịch không phải là chuyện dễ với mỗi địa phương khi nó liên quan tới các mảng của đời sống” - ông Cường nói. Ngay ở câu chuyện của Hội An, những ngày đầu sau khi được công nhận là di sản, ông Cường kể, người dân lúc đó muốn làm lại những ngôi nhà cũ kỹ của mình trở nên hiện đại hơn, khi giá trị hay lợi ích của những ngôi nhà cổ họ vẫn chưa nhìn thấy được. Dân muốn ở trong những ngôi nhà hiện đại. “Chúng tôi phải có quy hoạch, quy chế, để giữ lại nét xưa nhà cũ. Bản thân di sản phải mất một thời gian dài mới làm cho người dân hiểu được, nâng cao ý thức cho dân được. Trong khi làng bích họa ở Tam Thanh có chưa đầy 1 năm, làm sao để người dân có ý thức được chuyện này. Đây không phải là chuyện lạ. Người ta muốn có một ngôi nhà khang trang hơn. Vấn đề là các nhà lãnh đạo phải tập trung thuyết phục nhân dân, với những ngôi nhà có giá trị văn hóa to lớn mà họ đang sở hữu. Nếu không làm được việc đó thì họ khó bảo vệ. Tuy nhiên, có mặt khác là những ngôi nhà trong làng nhếch nhác quá thì phải để người ta sửa. Vì đây không phải làng truyền thống”.
Cùng với câu chuyện mà Tam Thanh đang gặp phải, một số làng du lịch cộng đồng của Quảng Nam đã khai trương và đi vào hoạt động lâu nay, vẫn có nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều nơi trở nên vắng vẻ hoặc có khách nhưng người dân vẫn chưa có thu nhập như làng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) hay làng Đại Bình (Nông Sơn). Nhiều nơi lượng khách đến quá nhiều gây nên tình trạng bát nháo như Cẩm Thanh (Hội An). Ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty Emic Hospitality (Hội An), cho biết, như một trào lưu, các làng quê có phong cảnh đều mong muốn phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng để thành công, không phải chỉ có sở hữu cảnh đẹp hay phong tục đặc sắc. “Người quản lý phải có năng lực điều hành và kết nối. Người dân phải có kỹ năng làm du lịch. Cùng với đó, phải biết biến tiềm năng của mình thành một điều đặc biệt, thành thương hiệu khi người ta nhắc tới, với những sản phẩm du lịch đặc biệt” - ông Thanh nói. Ông Hồ Tấn Cường cho rằng, điều quan trọng sau cùng để làm du lịch cộng đồng là chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kết nối với công ty lữ hành và vận động nhân dân giữ lại làng cũ. “Giữ lại làng cũ thì phải có quy hoạch bài bản. Muốn phát triển du lịch, phải trải qua quá trình quy hoạch, quản lý triển khai quy hoạch sau đó sẽ quay lại vấn đề quản lý sau quy hoạch. Kinh tế du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tác động bằng nhiều sự khác nhau và cần sự tập trung vào các ngành. Nâng cao nhận thức người dân về giá trị văn hóa của địa phương mình, chưa phát triển được ngay lập tức thì vẫn phải làm sao để ý thức người dân về chuyện gìn giữ làng mình về lâu dài” - ông Cường nói.
Câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững ở Quảng Nam, vẫn cần rất nhiều thời gian…
LÊ QUÂN