Phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm

HÀ SẤU 18/12/2019 14:32

(QNO) - Phát triển du lịch không làm tổn thương tài nguyên văn hóa, cảnh quan và thu hút được cộng đồng địa phương tham gia để sẻ chia lợi ích lúc khai thác, trách nhiệm khi bảo tồn là câu chuyện thu hút nhiều sự quan tâm tại tọa đàm “Cân bằng bảo tồn và phát triển” diễn ra chiều 13.12 tại TP.Hội An.

Cư dân sinh sống ở các điểm đến du lịch chia sẻ câu chuyện về bảo tồn tại tọa đàm. Ảnh: H.S
Cư dân sinh sống ở các điểm đến du lịch chia sẻ câu chuyện về bảo tồn tại tọa đàm. Ảnh: H.S

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng

Nhiều mô hình thực tiễn về bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa kết hợp hài hòa với phát triển sinh kế, du lịch cộng đồng trên cả nước được đề cập tại buổi tọa đàm như Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Mỗi câu chuyện mang một sắc thái riêng nhưng tựu trung cho thấy cộng đồng địa phương đã và đang dần được thừa nhận vai trò quan trọng việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, nhất là trong phát triển du lịch. 

Trước năm 1999, công tác tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) vô cùng khó khăn và tài nguyên ở đây thường xuyên bị xâm hại do người dân không đảm bảo sinh kế. Được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam, dự án bảo vệ khu bảo tồn đã được triển khai trong 5 năm và tạo ra sự khởi sắc rõ rệt. 

Ông Lê Văn Súng - Bí thư Đảng ủy xã Gia Vân cho biết, dù dự án đã kết thúc hơn 15 năm nhưng cư dân địa phương vẫn rất ấn tượng với chương trình hỗ trợ. Giờ đây chính họ là những người tích cực nhất để bảo vệ khu bảo tồn, sinh kế cũng gắn liền với nơi đây khi hàng trăm hộ dân được cấp phép trang bị ghe thuyền chở khách du lịch tham quan. Nhờ bảo tồn tốt, từ chỗ đàn voọc mông trắng ở địa phương chỉ còn 41 cá thể đến nay đã tăng lên hơn 100 cá thể, đồng thời ghi nhận được nhiều loài chim quý hiếm di cư theo mùa.

Việc khai thác cua đá có trách nhiệm vừa tránh nguy cơ cạn kiệt vừa mang lại giá trị cao cho cộng đồng. Ảnh: H.S
Việc khai thác cua đá có trách nhiệm vừa tránh nguy cơ cạn kiệt vừa mang lại giá trị cao cho cộng đồng. Ảnh: H.S

Chia sẻ câu chuyện trên đảo, ông Nguyễn Duy Khanh - Tổ trưởng Tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm thông tin, gần 10 năm trước mạnh ai người nấy khai thác cua đá, trong khi giá cả thì bữa được bữa mất rất lộn xộn. Từ khi Tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm được thành lập, việc khai thác và tiêu thụ trở nên quy củ hơn.

“Tôi nhớ vào năm 2014 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra kích thước cua đá mà người dân khai thác, ban đầu tôi cũng có chút lấn cấn vì nếu kiểm tra gắt gao thì sẽ làm mất lòng cư dân địa phương. Dù vậy, tôi và mọi người trong tổ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì công tác bảo tồn, nhờ đó đã thả về biển bình quân 120 con cua/năm vì không đủ kích thước” - ông Khanh bộc bạch. 

Nhìn về lợi ích chung

Thực chất của cân bằng giữa bảo tồn và phát triển là cân bằng giữa “nguồn cung” tự nhiên và “nhu cầu” của cộng đồng. PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho rằng, việc nhận diện các mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn rất quan trọng, để từ đó đi trước trong quy hoạch không gian nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong cách thức sử dụng tài nguyên, mâu thuẫn giữa khai thác và bảo vệ môi trường hoặc mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành khi khai thác tài nguyên...

Theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đặt trong trường hợp của Cẩm Thanh (Hội An), ở đây có lợi ích của các chủ thể: lợi ích ban quản lý điểm đến, lợi ích của nhóm trồng dừa và lợi ích của nhóm đánh bắt thủy sản. “Bao giờ các chủ thể nhìn từ lợi ích riêng ra lợi ích chung thì khi đó việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển mới thành công được” - TS. Chu Mạnh Trinh nói.

Còn ông Nguyễn Duy Khanh thông tin, nhận thấy giá trị tăng cao của cua đá nên một số hộ dân đang có sinh kế khác ổn định ở Cù Lao Chàm vẫn muốn gia nhập tổ để tham gia khai thác. Tuy nhiên hiện tổ vẫn đang giữ ổn định số lượng 42 thành viên bởi nếu tăng thêm thì khó quản lý nổi, nhất là nỗi lo cạn kiệt cua đá. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP) cho biết, kinh phí hỗ trợ các dự án từ đơn vị không nhiều, quan trọng là việc gắn kết các nguồn lực lại với nhau từ quốc tế đến địa phương. Bà Huyền nhận định thêm, bảo tồn văn hóa là vấn đề hết sức quan trọng. Như tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An), việc phát triển du lịch đã khéo léo khai thác, lồng ghép những câu chuyện lịch sử độc đáo, hấp dẫn để tạo sự hứng thú cho du khách. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO