Triển khai từ tháng 4.2012, đến nay dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang” do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR), Nhật Bản tài trợ tại xã Ta Bhing đã chính thức kết thúc, góp phần đưa Nam Giang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Nâng cao tính chủ động cộng đồng
Với 3 nguyên tắc cơ bản là sự chủ động của cộng đồng, người hưởng lợi chính và nguồn lực địa phương, ngay từ đầu mục tiêu của dự án đã xác định người dân luôn đóng vai trò quyết định các giai đoạn phát triển du lịch. Trong đó, cộng đồng địa phương phải là đối tượng hưởng lợi nhờ việc khai thác các nguồn lực tại chỗ (thiên nhiên, xã hội, văn hóa, giá trị bản địa) được sử dụng trên nền tảng tôn trọng và bảo tồn. Theo đó, cải thiện các tiện nghi du lịch, xây dựng những quy định về du lịch dựa vào cộng đồng và được thực hiện bởi sự chủ động của cộng đồng. Chú trọng hoàn thiện bộ máy quản lý như thành lập Ban quản lý với sự tham gia hỗ trợ của các cấp ngành từ huyện đến thôn và những nhóm sáng kiến cộng đồng (nhóm múa, đời sống, dệt, ẩm thực, thuyết minh, hát lý…) theo phân công trách nhiệm cụ thể. Qua 4 năm triển khai, đối tượng thụ hưởng từ dự án lên đến hơn 2.500 người (với 451 hộ), tập trung chủ yếu tại xã Ta Bhing.
Du khách thích thú trải nghiệm với đời sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu tại Nam Giang. Ảnh: V.L |
Đặc biệt, ngoài những thay đổi do dự án mang lại như môi trường thôn xóm sạch đẹp hơn; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục và tận dụng phát triển; gắn kết cộng đồng, nâng cao tính năng động thì vị thế của phụ nữ cũng được nâng lên. Tuy nhiên, một thay đổi rõ nét nhất dự án mang lại chính là người dân đã có thêm thu nhập thông qua hoạt động du lịch, chủ yếu là thu phí tour, sản phẩm đổi hàng, hàng lưu niệm. Tại Hợp tác xã dệt Zara, bình quân số tiền thu được từ bán hàng cho mỗi đoàn khách khi đến tham quan nơi đây thường dao động 5 - 10 triệu đồng. Tính đến nay, mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu Nam Giang đã đón 93 đoàn khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng. Riêng tháng 3.2016 đã có 11 đoàn khách với gần 200 lượt đến tham quan Ta Bhing, mang lại doanh thu 150 triệu đồng.
Thành công từ sự cộng hưởng
Theo ông Briu Thương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, điều làm cho du khách thấy hấp dẫn nhất khi đến với Nam Giang chính là lòng hiếu khách, sự thân thiện và giá trị độc đáo của văn hóa người Cơ Tu. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì áp lực cũng rất lớn, bởi làm sao để cân bằng giữa cuộc sống của bà con và số lượng tour. Vì nếu số khách vượt quá khả năng đón tiếp của bà con sẽ làm phát sinh tính thương mại và mất đi giá trị độc đáo vốn có của cộng đồng. |
Tại Hội thảo đánh giá dự án cuối kỳ vừa diễn ra tại huyện Nam Giang mới đây, ông Keiichiro Takadera - Chuyên gia du lịch của JICA cho rằng, có 10 lý do đóng góp vào sự thành công của dự án. Trước hết, là sự đồng thuận của UBND huyện Nam Giang khi chọn xã Ta Bhing để phát triển thí điểm mô hình du lịch; nhân tố thứ hai là giá trị xã hội của cộng đồng Cơ Tu rất phong phú (mối quan hệ, phong tục, lễ nghi truyền thống). Tiếp đến là cơ cấu vận hành dự án được cân nhắc kỹ càng như thành lập ban quản lý, điều hành tour, nhóm sáng kiến. Ngoài ra, đơn vị điều hành tour được thành lập ngay từ giai đoạn đầu và định hướng sẽ trở thành hợp tác xã trong tương lai. Qua đó, giúp việc tổ chức đón tour, xác định sức chứa phù hợp cũng như điểm đi về trong ngày hợp lý. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các đối tác là công ty du lịch cũng như sự hỗ trợ của FIDR, đặc biệt là lòng hiếu khách của cộng đồng Cơ Tu đóng vai trò quan trọng vào sự thành công và hài lòng của du khách. “Khái niệm du lịch dựa vào cộng đồng bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980 tại miền nam châu Phi, nhưng tôi phải nói rằng các dự án thành công là rất hiếm, ngay cả tại nơi sinh ra khái niệm này. Rất nhiều dự án mang tên du lịch dựa vào cộng đồng nhưng thực chất là tour tham quan làng được vận hành bởi người ngoài. Vậy nên tôi đã nhiều lần giới thiệu dự án của các bạn như một điển hình tốt của mô hình này tại nhiều nơi, bao gồm tại các hội thảo du lịch quốc tế của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) hoặc RETOSA” - ông Takadera khẳng định.
Cũng theo ông Takadera, điểm khác biệt của du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu chính là xác định sức chứa nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến đời sống của đồng bào nơi đây. Vì vậy, bình quân mỗi tháng làng chỉ nhận từ 2 - 3 đoàn, mỗi đoàn không quá 20 khách. Ngoài ra, tour đi về trong ngày chi phí thấp hơn rất nhiều so với phát triển loại hình dịch vụ lưu trú và dễ quản lý, hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ: “Với du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, tôi tin rằng dự án đã đạt được mục tiêu. Đặc biệt, dự án không những đem lại lợi ích trực tiếp cho người Cơ Tu tại Nam Giang mà còn đóng góp vào sự phát triển tổng thể cho kinh tế du lịch của Quảng Nam và đây là điều tôi đánh giá cao nhất”.
VĨNH LỘC