Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, một cuộc mít tinh được tổ chức tại TP.Hội An với thông điệp: Hãy bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch Hội An.
Hoạt động ý nghĩa
Lần đầu tiên, tại bãi biển An Bàng (Hội An), Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội; Bộ TN-MT; Bộ VH-TT&DL; Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Tạp chí Thực phẩm và sức khỏe phối hợp với UBND TP.Hội An tổ chức mít tinh với chủ đề “Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển”. Thông qua các hoạt động như triển lãm tranh, ảnh về môi trường, hệ sinh thái biển; tổ chức diễu hành xe đạp; ra quân dọn vệ sinh tại 2 bãi biển An Bàng và Cửa Đại nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, cộng đồng về việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại địa phương ven biển thành phố Hội An. Bà Hồ Thị Mai Chinh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Thực phẩm và sức khỏe, Phó Trưởng ban Tổ chức chia sẻ: “Đô thị cổ Hội An đã từng đảm nhận vai trò của một thương cảng phồn thịnh nhất Việt Nam nhưng qua gần nửa thiên niên kỷ Hội An đã trở thành một thành phố sạch đẹp, một trong những trung tâm du lịch có sức hấp dẫn bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Sở dĩ có được điều kỳ diệu này là do các nhà quản lý và người dân Hội An có tầm nhìn, có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường và biết trân trọng, gìn giữ những di sản quý báu của các bậc tiền nhân để lại. Đây là tiền đề để thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến du lịch Hội An”.
Hàng trăm học sinh và đoàn viên thanh niên ra quân dọn vệ sinh tại bãi biển An Bàng. Ảnh: V.LỘC |
Với những lợi thế về biển đảo, những năm qua du lịch Hội An đã đón nhận lượng khách tham quan nghỉ dưỡng rất đông, riêng lượng khách lưu trú thường xuyên ven biển chiếm khoảng 30% tổng lượng khách đến Hội An. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, là một thành phố sở hữu nhiều tài nguyên du lịch như di sản văn hóa thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng các tài nguyên biển đảo, làng quê, sông nước… đã tạo lợi thế giúp Hội An trở thành một thành phố du lịch hấp dẫn không chỉ của miền Trung mà của cả nước với lượng khách đến hàng năm trên 1,7 triệu lượt người, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. “Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền thành phố trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường. Tình trạng ô nhiễm do nước thải, rác thải của các doanh nghiệp và khách du lịch chưa được xử lý triệt để, việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên quá mức đã làm suy giảm các loài sinh vật đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các điểm du lịch thành phố” - ông Sơn nhìn nhận.
Vì một môi trường xanh
Cũng theo ông Sơn, lễ mít tinh hưởng ứng chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia” vừa được tổ chức tại Hội An là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, khách du lịch và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch. Đặc biệt là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn cảnh quan, môi trường tự nhiên để xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch theo định hướng chiến lược bảo tồn di sản vững chắc với xã hội, phát triển đô thị sinh thái và phát huy du lịch bền vững. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện khách sạn Sunrise (Hội An) cho rằng, vai trò của biển ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi ảnh hưởng, tác động của thiên nhiên hay con người đến biển đều mang lại những hậu quả tiêu cực. Điều này được thể hiện rất rõ trong những năm qua khi bờ biển Cửa Đại nói chung và khách Sunrise nói riêng đang đối diện với sạt lở nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc khắc phục và bảo vệ bờ biển để phục vụ du lịch.
Ở tầm vĩ mô hơn, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Trưởng ban Tổ chức chương trình khẳng định: Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200km và gần 50 vịnh lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như các vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô... đã trở thành cơ sở để thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến du lịch tại các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Đặc biệt, những năm qua ngành du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu nhập từ du lịch cả nước. Tăng trưởng về thu nhập du lịch trong 15 năm trở lại đây luôn giữ mức hơn 24%/năm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra ngày một nghiêm trọng, làm biến dạng cảnh quan, suy giảm các loài sinh vật… tại nhiều điểm du lịch biển cả nước, trong đó có Hội An. “Sở dĩ chúng tôi chọn Hội An sau Cát Bà (Hải Phòng) vì nơi đây cũng đang đối diện với những vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động du lịch gây ra. Thông qua các hoạt động mít tinh hưởng ứng và những việc làm thiết thực như dọn rác, vệ sinh bãi biển An Bàng, Cửa Đại nhằm không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về bảo bệ môi trường mà còn hướng đến sự phát triển du lịch bền vững tạo điều kiện để xây dựng một môi trường du lịch xanh cho tương lai”, PGS - TS. Nguyễn Chu Hồi nói.
THÂN VĨNH LỘC