Phát triển du lịch giảm nghèo: Khó tiếp cận vốn vay

TRỊNH DŨNG 12/06/2013 08:22

Người dân muốn cải thiện thu nhập thông qua con đường phát triển du lịch, nhưng việc tiếp cận vốn khó khăn khiến ước mơ của họ khó thành hiện thực.

Cần vốn làm du lịch

Hai căn nhà gỗ hai tầng của Briu Nheng và Pling Xéch dựng trên một mỏm đồi cao giữa làng Đờ Rhoong (Tà Lu, Đông Giang) đã hoàn tất việc dọn dẹp, sửa sang, xây mới nhà vệ sinh… để chuẩn bị đón khách. Cách Tà Lu 16km, theo quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ), hai căn nhà khác của đồng bào Cơ Tu ở làng Bờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) cũng đã hoàn tất khu vệ sinh và góc nhỏ đón khách. Hình ảnh sống động của đời sống văn hóa đồng bào Cơ Tu khiến những người làm du lịch cộng đồng nơi đây hy vọng có thêm một “con đường” để cải thiện thu nhập cho người dân thông qua du lịch. Họ nói những đợt tập huấn ở Bờ Hôồng, Mỹ Sơn về kỹ năng bán hàng, đàm phán, thương thảo, nấu ăn và cả cách tạo sự hấp dẫn của căn nhà để đón khách… cũng sẽ trở thành số không nếu không có sự tài trợ kinh phí của dự án SIT/Văn phòng ILO Quảng Nam trong việc xây dựng nhà vệ sinh và trang trí, sửa chữa lại nhà cửa.

Du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn.Ảnh: T.D
Du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn.Ảnh: T.D

Câu chuyện cần vốn nhưng khó tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng không chỉ là nỗi lòng của những người trên rẻo cao mà diễn ra hầu hết ở khu vực dân nghèo dù có đủ tiềm lực tài nguyên để phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Nam. Kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt tại Nam Giang, Đông Giang và vài huyện khác có sự tham gia của dự án SIT/Văn phòng ILO Quảng Nam hồi tháng 8.2012 cho thấy, việc vay vốn của ngân hàng chính sách có vẻ khá dễ tiếp cận đối với người dân. Theo nhận định của nhiều người, thủ tục tín dụng đơn giản của ngân hàng chính sách giúp người nghèo có thể tiếp cận vốn. Các khoản đầu tư của ngân hàng này có thể cung cấp cho bất cứ dự án tạo thu nhập nào, bao gồm cả dự án du lịch. Tuy nhiên, hầu hết mức vay tối đa không thế chấp của ngân hàng này đều không quá 30 triệu đồng, trong khi nhu cầu cho một dự án du lịch như homestay hay nhà hàng đều cần đến vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn cho mỗi chương trình được phân bổ theo kế hoạch, theo đối tượng cho đến khi hết vốn. Các văn phòng giao dịch cấp huyện không được phép tự điều chuyển vốn từ chương trình này sang chương trình khác theo nhu cầu khách hàng. Hiện nguồn vốn cho các dự án du lịch chung cũng chỉ từ 200 - 300 triệu đồng/huyện/năm.

Khó tiếp cận vốn

Cũng theo cuộc khảo sát của dự án SIT/Văn phòng ILO Quảng Nam, hiện có đến 60 - 76% dân số Đông Giang, Nam Giang vay vốn ngân hàng chính sách. Với tỷ lệ hộ được vay vốn cao như vậy, có vẻ việc tiếp cận tín dụng cho các mục tiêu kinh doanh khá dễ dàng. Tuy nhiên các hộ muốn đầu tư vào du lịch vẫn gặp những rào cản khác nhau. Vốn đầu tư ban đầu cho sản xuất nông nghiệp và sản phẩm thủ công thường không cao, nhưng một dự án homestay sẽ cần mức vốn ban đầu rất lớn, gấp nhiều lần so với mức vay tối đa không thế chấp 30 triệu đồng mà ngân hàng chính sách và hầu hết các ngân hàng thương mại áp dụng… đã trở thành rào cản. Còn các ngân hàng thương mại khác đều có các điều kiện nghiêm ngặt để có thể cung ứng vốn cho khách hàng như có tài sản thế chấp, có vốn tự có, có kế hoạch kinh doanh và phương án trả nợ. Ông Đoàn Văn Xoa - Phó ban Quản lý du lịch cộng đồng Mỹ Sơn nói, thành công của 5 dự án homestay đã khiến nhiều gia đình khác muốn đầu tư vào các dự án này nhưng khó tiếp cận vốn vì thiếu tài sản thế chấp hoặc chứng minh khả năng trả nợ!

Những người dân thôn Pà Ia (Tà Bhing, Nam Giang) cho biết họ sẵn sàng tham gia các dự án du lịch cộng đồng, nếu có tổ chức đầu tư vốn. Họ chưa dám vay vốn để làm homestay vì chưa biết rõ kết quả tài chính sẽ như thế nào và sợ không có khả năng trả nợ. Còn người dân ở Bờ Hôồng biết họ cần tiền cho xây dựng, nâng cấp nhà ở, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng để làm homestay, nhưng họ không xác định được sẽ cần bao nhiêu tiền cho mỗi công việc, càng không biết khả năng thu nhập sẽ là bao nhiêu và bao lâu sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có lãi. Thực tế, người dân dám vay vốn đầu tư vào các dự án du lịch cộng đồng thì phải thật sự tin tưởng hoạt động này có thể đem lại lợi nhuận cao. Đó cũng là tiêu chí để ngân hàng dự báo hay đánh giá. Nhưng, du lịch ở các vùng này chưa phát triển, chưa có mô hình kinh doanh nào thành công, có sức thuyết phục.

Theo nhìn nhận của các nhà kinh tế, để phát triển và duy trì thành công một dự án homestay, người dân phải nắm được kỹ thuật sản xuất một số loại thực phẩm và rau quả tại địa phương nhằm cung cấp bữa ăn cho khách. Nếu không nắm được kỹ thuật, họ sẽ không dám đầu tư vào sản xuất, dẫn đến việc không dám vay vốn… Hiện cộng đồng cư dân địa phương đã thức nhận được tiềm năng du lịch và cần vay vốn để đầu tư. Tuy nhiên, ngoài những phụ nữ Hợp tác xã Dệt Zara có một ít nguồn thu nhập quanh năm từ việc bán sản phẩm thổ cẩm, còn lại hầu như chưa có thu nhập gì từ du lịch, do chưa tổ chức được các hoạt động cung cấp dịch vụ cho du khách. Vì vậy, nhận xét một cách công bằng rằng một khi người dân không có thu nhập gì và không thể chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ thì cũng khó mà thuyết phục ngân hàng “mở hầu bao” bơm vốn cho thị trường này.

Cần tháo gỡ những rào cản

Dân muốn vay vốn phát triển, nhưng ngân hàng dè dặt. Đó là một thực tế, vì vậy, muốn khai thông dòng tín dụng cho sự phát triển du lịch giảm nghèo cần tháo gỡ những rào cản lâu nay. Nguyên nhân chính vẫn là sự kém phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp, lưu trú, thiếu các mô hình kinh doanh thành công, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để người dân quyết định đầu tư vào một dự án cụ thể. Để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, từ đó khuyến khích người dân địa phương vay vốn để đầu tư vào du lịch nhằm cải thiện sinh kế, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, mở các chương trình đào tạo về quản lý, thực hiện dự án… thì mới thuyết phục ngân hàng về tính khả thi và lợi nhuận của kế hoạch kinh doanh.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển du lịch giảm nghèo: Khó tiếp cận vốn vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO