TP.Hội An đang phát triển ngành du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở vùng nông thôn nhằm phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo mục tiêu kép vừa phục hồi kinh tế vừa phòng dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả.
Tạo sản phẩm mới
Đến nay, TP.Hội An đã xây dựng được 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm rau hữu cơ Cẩm Thanh, rau VietGap Trà Quế, nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, khai thác - tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và nông nghiệp hữu cơ Thanh Tây (phường Cẩm Châu) gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ ở các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Các chuỗi giá trị này gắn bó chặt chẽ với hoạt động du lịch tại các khu vực với các sản phẩm ấn tượng như trà rừng, trà thảo mộc, nước uống nha đam…
Sản xuất nông nghiệp của thành phố chuyển dịch đúng hướng với việc phát triển sản xuất ở các vùng nông thôn gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, thành phố đã đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu cho các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tre – dừa Cẩm Thanh... góp phần tạo cảnh quan, môi trường, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.
Từ đó, thành phố cũng đã đưa ra phương án phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái, dịch vụ du lịch ở nông thôn. Các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Hà, Cù Lao Chàm... được mở rộng và đa dạng hóa. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và phong phú, đáng kể là dịch vụ lưu trú, mua sắm, ẩm thực, trải nghiệm, khám phá...
Trên địa bàn thành phố hiện còn có nhóm doanh nghiệp sáng tạo, tiên phong xây dựng các sản phẩm du lịch “xanh” gắn với sản xuất và đời sống sinh hoạt của người nông dân ở vùng nông thôn, như Công ty Du lịch Hoa Hồng với mô hình kinh tế tuần hoàn – vườn Kybimơ, Công ty Emic Hospitality với mô hình “Các món ăn từ rác”, trải nghiệm dọn vệ sinh môi trường vùng quê sông nước.
Lợi thế của sản phẩm du lịch này là được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, tạo ra giá trị lớn, phù hợp với thị trường du lịch cao cấp. Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch bền vững với mô hình Heal Organic Farm cung cấp cho thị trường các sản phẩm được tạo ra từ những cây rau, trà, thảo mộc, từ nước nha đam, đậu biếc…
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và du lịch bền vững cho biết, sản phẩm ở đây được sản xuất theo hướng phân lớp, loại rau, củ xanh tốt thì bán cho người tiêu dùng, loại rau, củ quả có thể sơ chế thì tạo ra những thực phẩm qua chế biến thô.
“Hội An là vùng đất du lịch, có rất nhiều du khách muốn hòa nhập với thiên nhiên nên HTX lồng ghép để tăng giá trị cây rau thông qua dịch vụ, đưa du khách cùng tham gia trải nghiệm trồng rau, cùng chế biến thực phẩm. Nhờ vậy giá trị dịch vụ tăng lên nên thu nhập của người trồng rau cũng tăng thêm” - ông Thanh nói.
Gắn với cảnh quan nông thôn
Cùng với các giải pháp phục hồi du lịch, TP.Hội An cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng.
Bước đầu, thành phố đã khảo sát, cho chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại một số khu vực tiềm năng như Suối Tình – Rẫy Ông Thơ (xã đảo Tân Hiệp), Nam Ngạn - Vĩnh Thành (Cẩm Nam - Cẩm Kim)…
Tuy vậy, trước những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch và nông nghiệp trong tình hình mới, bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND thành phố cho rằng: “Cần tiếp tục rà soát, có phương án khai thác hợp lý quỹ đất chưa sử dụng, bỏ hoang nhằm tận dụng nguồn lực đất đai cho sự phát triển của ngành. Cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực thực sự đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp sạch, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng và khách du lịch”.
Hội An đang xây dựng thêm các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc sắc. Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp nghệ thuật, nông nghiệp sắp đặt, đồng thời có phương án tôn tạo cảnh quan nông thôn để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới có sức hút và cạnh tranh cao.
Thành phố cũng chỉ đạo nghiên cứu, phát triển du lịch Cẩm Kim, khu vực Nam Ngạn - Vĩnh Thành trở thành điểm tham quan, du lịch theo định hướng du lịch sinh thái, dã ngoại bình yên với các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới song song với việc hoàn thiện, nâng chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phù hợp theo định hướng sinh thái, bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Phát triển sản phẩm du lịch ở nông thôn đang là xu hướng phát triển du lịch mới nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, tài nguyên nhân văn… hướng đến giá trị xanh bền vững”.