Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Quảng Nam vào ngày 5.7.
Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Báo cáo từ Sở VH-TT&DL cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 Quảng Nam đón 1.986.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, tăng 4,41% so với cùng kỳ, đạt hơn 50% kế hoạch năm. Theo phân tích, thị trường khách có cơ cấu khá hợp lý, phân bổ 50/50 giữa khách trong nước và quốc tế. Trong đó, thị trường khách quốc tế chính lần lượt vẫn là Tây Âu (46%), Úc (17%), Đông Bắc Á (10%), Bắc Mỹ (8%). Toàn tỉnh hiện có 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, gồm 40 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế, 26 công ty kinh doanh lữ hành nội địa, 6 chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Nam, 1 đại lý lữ hành. Ngoài ra, có 105 ô tô được cấp giấy xác nhận đạt chuẩn vận tải khách du lịch; cấp 202 thẻ hướng dẫn viên (158 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 44 thẻ hướng dẫn viên nội địa và 22 thẻ thuyết minh viên du lịch). Cả tỉnh có 370 cơ sở lưu trú với tổng số 7.876 phòng, bao gồm 185 khách sạn (7.106 phòng), 185 homestay (770 phòng) và 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách.
Nhiều rào cản
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch Quảng Nam đã có được những thế mạnh như điểm đến du lịch an toàn, thân thiện với những sản phẩm du lịch có tính bền vững (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái); hạ tầng, điểm đến được đầu tư (công trình cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển; Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam); thương hiệu du lịch Hội An đã được khẳng định… Tuy nhiên, thời gian qua du lịch Quảng Nam cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như, công tác quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án du lịch còn chậm, làm giảm tốc độ thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Ngoài ra, hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành còn yếu, nhất là hệ thống giao thông tiếp cận đến các điểm du lịch miền núi và hải đảo. Hệ thống bảng chỉ dẫn đến một số điểm du lịch chưa được triển khai gây khó khăn cho du khách. Công tác xúc tiến du lịch chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ từ các thị trường trực tiếp; mối quan tâm, sự hợp tác của doanh nghiệp còn hạn chế. Phương pháp, nội dung quảng bá hình ảnh du lịch chưa tốt. Hoạt động nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Môi trường du lịch bị tác động tiêu cực, hiện tượng cò mồi, ăn xin, cướp giật, tranh giành khách vẫn còn xảy ra; vệ sinh, môi trường nhiều điểm, nhiều nơi chưa đảm bảo...
Du khách đến Hội An ngày càng tăng. Ảnh: V.LỘC |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh vào ngày 5.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo nhìn nhận, dù du lịch Quảng Nam 6 tháng qua tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh, vùng đất có 2 di sản văn hóa thế giới và 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng nhiều giá trị nhân văn và thiên nhiên độc đáo. Không những vậy, quá trình phát triển cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, tồn tại trong đầu tư, giải phóng mặt bằng, phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có đổi mới nên cần có sự hỗ trợ của các nhà tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, cần tăng cường thực hiện quảng bá điện tử, quảng bá qua mạng. “Tiềm năng du lịch Quảng Nam rất nhiều, tuy nhiên cần tránh đầu tư dàn trải mà nên ưu tiên tập trung vào những sản phẩm mới chất lượng. Khi có sản phẩm tốt rồi mới có thể quảng bá giới thiệu đến khách” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
Gỡ khó và thu hút bằng nét riêng
Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển du lịch Quảng Nam luôn duy trì ở con số 10 - 15%. Tại TP.Hội An, lượng du khách tăng trưởng mỗi năm hơn 10%, riêng một số điểm như khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm tốc độ tăng khá “nóng”, từ 15 - 20%. Ngược lại, một số điểm phía tây và phía nam của tỉnh số lượng khách rất ít, dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển du lịch giữa các vùng miền. Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam chia sẻ, khó có thể đòi hỏi doanh nghiệp đưa khách đến khi mà sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương đều na ná nhau dẫn đến trùng lặp. Ngoài ra, tâm lý một số nơi phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm mà không có sự phối hợp thông tin giữa địa phương với Hiệp hội Du lịch cũng như với Trung tâm Xúc tiến du lịch dẫn đến hiệu quả quảng bá thấp. “Cần thống nhất công tác quảng bá của các địa phương về một mối là Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh vì các địa phương không thể tự làm được do không có chuyên môn và con người” - ông Vân đề xuất. Theo đại diện Sở Giao thông vận tải, nên điều chỉnh lại quy hoạch du lịch những năm tới vì hiện nay hạ tầng giao thông đã thay đổi theo hướng kết nối liên vùng liên miền, theo đó sẽ giúp thúc đẩy hoạt động du lịch tại các điểm trở nên hiệu quả hơn.
Ông Đinh Hài cho rằng, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành khác, có nhiều vấn đề mà bản thân một ngành du lịch không thể làm được. Đó cũng chính là lý do vì sao có Ban Chỉ đạo phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư cho du lịch Quảng Nam quá khiêm tốn. Như hoạt động xúc tiến mỗi năm chỉ khoảng 3 - 4 tỷ đồng, bao gồm trả lương cho cán bộ, nhân viên nên khó đòi hỏi các sản phẩm giới thiệu tốt hay đẹp được. Với hạ tầng du lịch số tiền cũng không khá hơn. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 tổng số tiền đầu tư hạ tầng du lịch chỉ có 78 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 9,3 tỷ, ngân sách huyện 19,6 tỷ, còn lại huy động nguồn xã hội hóa. Ông Đinh Hài nhấn mạnh: “Ngành du lịch Quảng Nam trong bản đồ du lịch của Việt Nam vẫn là điểm sáng, nhưng chưa mạnh, vẫn còn những khó khăn trong quảng bá, xúc tiến, hạ tầng. Cho nên cần xác định lại vị trí kinh tế du lịch trong sự phát triển chung của Quảng Nam. Chúng ta cạnh tranh với Đà Nẵng không phải là những khu vui chơi hiện đại hay những nhà cao tầng mà cạnh tranh theo hướng tạo ra cái riêng của Quảng Nam, đó là du lịch di sản, du lịch văn hóa, sinh thái trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ sở của Đà Nẵng”.
VĨNH LỘC