Phát triển du lịch Tây Giang: Nhiều khó khăn, rào cản

MINH PHƯỜNG 12/01/2017 08:38

Tây Giang có cả một kho báu thiên nhiên hoang sơ, quyến rũ với nhiều danh lam thắng cảnh và văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Cơ Tu còn lưu giữ ở các bản làng. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng và thế mạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản…

Vùng đất giàu tiềm năng

Sức hấp dẫn của vùng đất Tây Giang đã được khẳng định và luôn nằm trong danh sách là điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua của những du khách ưa thích mạo hiểm, muốn khám phá thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm về đời sống văn hóa của người bản xứ. Tây Giang có vị trí địa lý nằm ở trung Trường Sơn còn nhiều rừng nguyên sinh, thác ghềnh đẹp, đỉnh núi cao 1.500 - 2.000m, cây cổ thụ trên ngàn năm tuổi, động thực vật quý hiếm (sao la), phong phú, đa dạng là tiềm năng lớn để thu hút du khách đến đây. Ngoài ra, Tây Giang còn có con đường muối lịch sử lưu giữ nhiều chứng tích độc đáo, cổ xưa như: Chữ cổ khắc trên đá khu vực Achia, trống đồng Đông Sơn, ruộng bậc thang, nghề gốm, đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực… Tây Giang cũng là vùng căn cứ địa cách mạng có đoạn đường nguyên sơ của đường Trường Sơn huyền thoại, địa đạo…

Hoang sơ đỉnh Quế.
Hoang sơ đỉnh Quế.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ… tạo điều kiện cho loại hình du lịch cộng đồng sinh thái (homestay) được ưu tiên phát triển. Thời gian qua, các điểm thôn Pơr’ning, khu dân cư Arớch (Lăng), các thôn xã A Nông, Làng truyền thống Cơ Tu (trung tâm huyện), Làng du lịch sinh thái Azứt (Bha Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn giáp biên Cha’nốc (Ch’Ơm)… được xây dựng phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng.

Nhận diện được những lợi thế về thiên nhiên, về bản sắc, về các giá trị văn hóa đặc trưng, quần thể di tích lịch sử cách mạng… Huyện ủy Tây Giang đã có Nghị quyết số 17/NQ-HU ngày 10.9.2014 về thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với kỳ vọng xem du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch đã từng được huyện Tây Giang nói riêng, ngành du lịch tỉnh nói chung, triển khai thực hiện. Nhiều điểm du lịch đã được quy hoạch, một số tour, tuyến được kết nối. Nhiều điểm tham quan được đầu tư cơ sở hạ tầng bước đầu với hệ thống gươl làng, nhà trưng bày đón khách. Một số làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát được phục hồi tạo sản phẩm du lịch. Khu du lịch sinh thái đỉnh Quế (xã Tr’Hy) do một nhóm hộ tư nhân gồm Clâu Hạnh, Bling Apú và Clâu Tùng đã thể hiện khát vọng làm du lịch nơi vùng biên giới xa xôi này. Song khu du lịch sinh thái đỉnh Quế chưa thật sự phát huy hiệu quả khi chỉ hoạt động riêng lẻ chưa có sự liên kết với các hệ thống nhà hàng, khách sạn tại địa phương. Dịch vụ còn đơn sơ, thiếu sự kết nối với các tour tuyến lân cận, cơ sở hạ tầng còn hạn chế… khiến du khách, chủ yếu là giới trẻ ghé chân mà chưa mặn mà lưu trú.

Khu du lịch đỉnh Quế còn thô sơ chưa thu hút đông đảo du khách. Ảnh: M.P
Khu du lịch đỉnh Quế còn thô sơ chưa thu hút đông đảo du khách. Ảnh: M.P

Ngoài đỉnh Quế, các điểm du lịch quần thể suối thác, địa đạo, làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng truyền thống Cơ Tu ở Tây Giang cũng chung tình trạng “đắp chiếu”, chưa được phát huy và khai thác xứng với tiềm năng vốn có. Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, tình trạng thiếu và yếu về hạ tầng cơ sở, thiếu cách làm du lịch chuyên nghiệp, giao thông đi lại còn khó khăn, xa xôi… chính là những trở ngại lớn cho sự phát triển du lịch Tây Giang. Đường dẫn vào nhiều điểm tham quan như rừng pơmu, làng Ađuôl, La’a, Aur tại xã A Vương hay ruộng Chuôr… còn khá gian nan, vất vả khiến việc di chuyển, thưởng ngoạn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ như lưu trú (nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch) sơ sài, chủ yếu nằm trải rác ở trung tâm huyện; dịch vụ du lịch, mua sắm hay vui chơi chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách là những trở lực khiến bức tranh du lịch Tây Giang còn ảm đạm.

Tìm hướng cho du lịch

Gần đây, huyện Tây Giang cũng như là ngành du lịch tỉnh đã có những hoạt động, tổ chức xúc tiến du lịch Tây Giang phát triển. Huyện chủ trương tổ chức các sự kiện; tổ chức Hành trình di sản văn hóa - festival 2016 với hoạt động phục dựng cây nêu, mời các đoàn, du khách về quảng bá sản phẩm bản địa. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, huyện cần phải liên kết với những địa phương thu hút khách du lịch như phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm và liên kết phát triển du lịch qua biên giới, thu hút khách du lịch từ  Lào. Huyện có những hoạt động xúc tiến, thúc đẩy mạnh những điểm khác biệt riêng có ở Tây Giang các tour, tuyến, kết nối với Hội An, famtrip...

Bên cạnh các tuyến, điểm du lịch nổi bật hiện có cũng như thắng cảnh rừng pơmu, rừng lim, Tây Giang đang khai phá các điểm du lịch mới. Cụ thể, khai thác đồi 1.369 với đỉnh A Rung cao hơn 2.000m so với mực nước biển, nơi có 50ha đỗ quyên để tạo điểm đến lý tưởng. Sắp tới đây, huyện dự tính sẽ tổ chức lễ hội hoa đỗ quyên nhằm truyền thông, xúc tiến, quảng bá danh thắng, nét văn hóa bản địa, vùng miền. Tại các cánh rừng nguyên sinh này, huyện đã và đang hình thành tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ rừng, giao khoán rừng cho người dân sống gần đó bảo vệ, canh giữ rừng, đồng thời họ cũng là những chủ thể của du lịch sinh thái cộng đồng ở các khu vực này. Ngoài   các điểm làng truyền thống, thiên nhiên, huyện còn khai thác điểm du lịch cột cờ biên giới, địa đạo, di tích lịch sử văn hóa cách mạng… Việc tạo bản sắc riêng cho du lịch Tây Giang khác so với các vùng lân cận có đông người Cơ Tu sinh sống cũng hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, huyện đã vạch ra hướng đi mới, xây dựng nhiều dự án cụ thể, thiết thực để thúc đẩy phát triển du lịch Tây Giang, tạo bản sắc văn hóa riêng không bị hòa lẫn với các vùng miền núi khác. Huyện sẽ tăng cường quy hoạch tour, tuyến tránh sự nhàm chán, trùng lặp giữa các vùng; quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như nâng cao kỹ năng phục vụ, chế biến thức ăn, kỹ năng giao tiếp cho chủ thể văn hóa - du lịch là cộng đồng người Cơ Tu cũng được chú trọng”. Để làm được điều đó nhằm khai thông tiềm năng thế mạnh của Tây Giang trong phát triển du lịch vẫn còn hết sức nan nan, bởi đây không phải là vấn đề một sớm một chiều mà cần có bước đi, chiến lược phát triển lâu dài. Một trong những khó khăn là kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối tour tuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tây Giang không kham nổi. Bởi vậy, cần phải có sự hỗ trợ thiết thực của các ngành các cấp mới thực hiện đươc.

MINH PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển du lịch Tây Giang: Nhiều khó khăn, rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO