Phát triển du lịch từ lợi thế riêng...

ĐĂNG NGUYÊN 06/07/2023 05:21

Sau thời gian kết nối, vận hành các điểm du lịch cộng đồng, người ta nhận thấy ở Đông Giang có sự khác biệt. Dù không là điểm đến quá nổi bật trong bản đồ du lịch của tỉnh, song bằng giá trị khác biệt của cộng đồng Cơ Tu, nhiều người tin rằng, cơ hội vực dậy sẽ không còn xa xôi.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Đông Giang. Ảnh: Đ.N
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Đông Giang. Ảnh: Đ.N

Một “Cổng trời Đông Giang” đang dần hoàn thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy là bước đầu, nhưng sau thời gian vận hành, khu du lịch sinh thái này đang cho thấy tiềm năng lẫn cơ hội của mình.

Không còn là một “hành trình cô đơn”, nơi này đang kết nối tạo nên chuỗi dừng chân khác biệt, từ đồi chè Trung Mang (xã Ba), làng du lịch văn hóa Bhờ Hông (Sông Kôn) cho đến không gian làng nghề dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng (Tà Lu)… đang dần được phục hồi, bảo lưu giá trị văn hóa - du lịch.

Hôm nọ, tôi đến Bhờ Hôồng, tình cờ bắt gặp một nhóm du khách ngoại quốc đang mải mê trải nghiệm không gian bắn nỏ truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Họ đến, qua sự kết nối, giới thiệu của cô gái Cơ Tu Đinh Thị Thìn - một hướng dẫn viên du lịch của làng Bhờ Hôồng.

Lần theo câu chuyện, mới biết Thìn vừa khai trương khu homestay gia đình. Dù không quá mới mẻ, nhưng kể từ sau đại dịch COVID-19, dự án của Thìn được kỳ vọng sẽ mang lại sự kết nối trong hoạt động du lịch cộng đồng ở miền núi, nhất là Bhờ Hông từng biết đến như một điểm tham quan hút khách.

Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương có lợi thế là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Cơ Tu, với đa dạng loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đang được khôi phục, bảo tồn.

Những năm qua, cùng với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa còn được lưu giữ trong cộng đồng, Đông Giang triển khai hoạt động sưu tầm, nhằm khôi phục các giá trị văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch.

Trên cơ sở này, địa phương xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đông Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm từng bước bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người Cơ Tu trên địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay.

“Những năm gần đây, khách du lịch ngày càng quan tâm đến du lịch bền vững và có xu hướng muốn tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa truyền thống, trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân miền núi. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách thời gian đến” - ông Tùng cho biết.

Trong một lần làm việc với địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, Đông Giang là một trong số địa phương miền núi làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Vì thế, bên cạnh phát huy các giá trị và thành quả đã đạt được, thời gian tới, Đông Giang cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giữ rừng, gắn việc phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng với các mô hình kinh tế, hướng đến phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển du lịch từ lợi thế riêng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO