Phát triển giáo dục miền núi: Cần chính sách mạnh "đô" hơn

XUÂN PHÚ 25/11/2020 07:23

Giáo dục miền núi những năm qua được quan tâm đầu tư khá lớn. Nhưng để sự nghiệp trăm năm nơi đây phát triển bền vững, rất cần một chính sách hỗ trợ mạnh “đô” hơn trong thời gian tới, nhất là cơ sở vật chất.

Giáo dục miền núi rất cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn để phát triển. Ảnh: X.P
Giáo dục miền núi rất cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn để phát triển. Ảnh: X.P

Hơn 2.200 tỷ đồng cho 5 năm

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ở 9 huyện miền núi Quảng Nam có 263 trường học các cấp, trong đó 111 trường không bán trú, 152 trường bán trú, nội trú. Riêng loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú có 58 trường. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình phức tạp nên tình trạng lớp ghép vẫn còn khá nhiều với 311 lớp mẫu giáo, 148 lớp tiểu học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có gần 7.000 người nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu nên còn trường hợp bố trí dạy trái môn đào tạo hoặc phân công kiêm nhiệm chưa phù hợp với năng lực giáo viên.

Trong 5 năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS miền núi được đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.157 tỷ đồng. Trong đó xây mới 1.146 phòng học, cùng 534 phòng nội trú học sinh, giáo viên và 134 công trình nước sạch; ngoài ra, trang bị 2.270 máy vi tính và 1.133 ti vi; đáng chú ý, xây mới Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang).

Ông Quốc nhìn nhận, bộ mặt trường lớp miền núi thời gian qua chuyển biến tích cực, nhiều trường học thậm chí còn khang trang hơn một số nơi ở đồng bằng. Tuy nhiên, trên bình diện chung, giáo dục miền núi vẫn còn khoảng cách khá xa so với đồng bằng, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đến nay chỉ đạt 48% so với mặt bằng chung cả tỉnh 66%. Số lượng lớp ghép nhiều, tình trạng thiếu giáo viên kéo dài gây khó khăn đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng.

“Vì vậy, đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025) đang được Sở GD-ĐT soạn thảo với mục tiêu mang lại một chính sách đủ mạnh để đưa sự nghiệp trăm năm của miền núi tạo ra bước đột phá và bền vững hơn” - ông Quốc chia sẻ.

Theo đề án, để phát triển cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025, tổng kinh phí thực hiện hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 672 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.162 tỷ đồng, huy động nguồn khác 402 tỷ đồng. Người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh cho rằng, số kinh phí này trong thời gian 5 năm không phải là lớn và thực tế các địa phương hàng năm cũng đã đầu tư khá nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất trường lớp.

Phải hợp lý và hiệu quả

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cũng đồng tình “nguồn kinh phí không lớn”, song vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào cho hợp lý, hiệu quả. Theo ông Phong, các địa phương cần rà soát nhu cầu phòng học để có đầu tư trọng điểm và lưu ý chọn địa điểm xây dựng trường phải tôn trọng mặt bằng tự nhiên, bởi hiện nay tình trạng sạt lở ở miền núi rất nhiều. Với điều kiện đặc thù của miền núi, nên chọn mô hình trường nhiều bậc học và tổ chức bán trú, nội trú sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn. Về kinh phí thực hiện, ông Phong đề nghị giảm nguồn ngân sách huyện, xác định rõ nguồn đầu tư công, nguồn sự nghiệp, đưa thêm nguồn Trung ương vào đề án.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thừa nhận, miền núi hiện rất khó khăn trong lựa chọn mặt bằng bố trí xây dựng trường học vì chỗ nào cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở. Vì vậy, xây dựng trường học phải gắn với nông thôn mới, khu dân cư. Song nhu cầu của miền núi không chỉ dừng lại ở trường học mà cần quan tâm đến nhà công vụ, công trình nước sạch. Miền núi cũng đang đối mặt với khó khăn thiếu giáo viên, nhiều người không muốn lên công tác miền núi vì lương quá thấp.

“Nam Trà My đầu năm học này có 109 giáo viên xin chuyển về đồng bằng. Vì vậy, cần có chính sách đối với giáo viên lên công tác miền núi. Đồng thời có cơ chế tuyển dụng người tại chỗ, không nên phân biệt cử tuyển hay không thuộc diện cử tuyển, miễn người miền núi là được, để đỡ áp lực phải đưa người từ xuôi lên” - ông Phước đề nghị.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi, từ thực tế của địa phương cho thấy, loại hình trường bán trú, nội trú với miền núi là phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy học trò. Còn ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, nên chọn mô hình trường cấp 1 - 2 thay vì trường liên xã để học trò đi học thuận lợi hơn.

Trong khi đó, với góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức - Hoàng Văn Hùng chia sẻ, xây dựng trường học ở miền núi phải nghĩ đến công dụng đa năng, như làm nơi di dân phòng tránh thiên tai. Do đó, trường học cần được xây dựng ở địa điểm an toàn, vững chắc, có thể chống chọi được bão lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển giáo dục miền núi: Cần chính sách mạnh "đô" hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO