Đạt được nhiều thành tựu nhưng sự nghiệp GDĐT miền núi hiện nay rất cần sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa mới có thể giúp tháo gỡ những rào cản để phát triển.
Duy trì sự ổn định đội ngũ giáo viên luôn là nhu cầu của giáo dục miền núi. Ảnh: X.PHÚ |
Chuyển biến
Những năm qua, cùng với sự nghiệp GDĐT chung toàn tỉnh, giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương quan tâm. Bên cạnh chế độ chính sách của trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên (GV), học sinh (HS), góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong dạy và học. Nhờ đó, đến nay các huyện miền núi có đông đồng bào DTTS đã hình thành được 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và 31 trường bán trú, thu hút gần 10 nghìn HS theo học. Bên cạnh đó, các huyện miền núi còn có 49 trường phổ thông (trong đó 9 trường THPT) có tổ chức bán trú, nội trú, đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của con em nhân dân các DTTS trên địa bàn.
Nghị quyết 12 (28.12.2012) của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 nhấn mạnh đến việc tăng cường hỗ trợ cho giáo dục miền núi, vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn nhằm đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường học, trong đó đặc biệt ưu tiên cho miền núi. Đầu tư xây dựng ký túc xá cho HS các trường THPT, trường nội trú THCS cụm xã; đảm bảo có đủ nhà công vụ và các trang thiết bị cần thiết phục vụ ăn ở, sinh hoạt của GV nội trú. Thực hiện tốt chính sách ưu tiên tuyển sinh đào tạo và tuyển dụng đối với HS, sinh viên người DTTS, đảm bảo gắn chặt việc đào tạo và sử dụng, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ GV người DTTS lên 30%. |
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, thời gian qua ngành GDĐT và các huyện đã chú trọng đến việc cử tuyển đào tạo GV, ưu tiên tuyển dụng GV là người DTTS cho giáo dục miền núi. Đến nay, trong tổng số hơn 23 nghìn cán bộ, GV toàn ngành, có 539 GV người DTTS (104 mầm non, 237 tiểu học, 125 THCS và 73 THPT), chiếm 10% so với số GV của 9 huyện miền núi. Để góp phần nâng cao chất lượng, ngành cũng đã tổ chức các lớp giảng dạy tiếng DTTS cho cán bộ, GV người Kinh mới lên công tác, giúp họ tìm hiểu văn hóa của đồng bào. Có thể nói, cùng với mạng lưới trường lớp đầu tư phát triển khá rộng khắp, đội ngũ GV hiện nay đã được nâng tầm chất lượng, giúp cho giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.
Vẫn còn rào cản
Mặc dù đã tạo ra được nhiều chuyển biến đáng kể nhưng rõ ràng, giáo dục miền núi hiện còn nhiều hạn chế. Thực tế mạng lưới trường lớp được xây dựng ngày càng nhiều, nhất là loại hình trường nội trú, bán trú, nhưng tình trạng thiếu phòng học, lớp học tạm, phương tiện dạy - học thiếu thốn và lạc hậu vẫn còn khá phổ biến. Nhà ở nội trú cho HS, nhà công vụ cho GV được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Tình hình HS bỏ học giữa chừng vẫn còn cao và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Chất lượng cũng như hiệu quả giáo dục thấp, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở miền núi, Trưởng phòng GDĐT Nam Trà My - ông Nguyễn Trường Sinh thấu hiểu những rào cản kìm hãm sự phát triển giáo dục miền núi. Theo ông Sinh, đội ngũ GV phần lớn mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, phải mất thời gian dài mới có thể bắt nhịp được cuộc sống cũng như giảng dạy, đây chính là một trong những rào cản lớn. Nhận xét về việc tăng tỷ lệ GV người DTTS và chất lượng GV người địa phương, ông Sinh nói: “Đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tốt hơn hết là nên ưu tiên tuyển dụng cho giáo dục mầm non và tiểu học vì phù hợp với năng lực của GV hơn, tất nhiên GV người DTTS vẫn có nhiều người khá giỏi, giảng dạy tốt ở bậc THCS, THPT”. Thế nhưng, trong xu thế chung hiện nay, số lượng HS người DTTS chọn theo học ngành sư phạm không nhiều. Vì lẽ đó, thời gian qua nguồn GV cung cấp cho miền núi chủ yếu trông chờ vào số đào tạo theo diện cử tuyển, nhưng chỉ tiêu diện này có hạn.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang không chỉ băn khoăn về chất lượng đội ngũ GV người tại chỗ mà còn về chỉ tiêu biên chế hiện nay. “Tăng cường đội ngũ GV tại chỗ mà không quan tâm vấn đề về chất lượng thì có tội với người dân vì không khéo sẽ phá hỏng cả một thế hệ. Hơn nữa, nhiều người được đào tạo hệ cử tuyển ra trường nhưng các huyện không thể tuyển do không có chỉ tiêu biên chế, gây ra tình trạng lãng phí” - ông Bằng nói.
Một trong những cản ngại đến quá trình phát triển giáo dục miền núi nữa là sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị. Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn, đặc biệt ưu tiên dành phần lớn kinh phí của chương trình kiên cố hóa trường lớp cho miền núi. Tuy nhiên, do xuất phát điểm quá thấp, điều kiện địa hình cách trở, có quá nhiều điểm trường lẻ tại các thôn - bản, nên dù đầu tư không ít nhưng tình trạng thiếu thốn phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm và trang thiết bị lạc hậu là điều không thể tránh khỏi ở nhiều trường, nhiều địa phương.
Tháo gỡ những rào cản này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền với quan điểm “Đầu tư cho GDĐT là đầu tư cho sự phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”. Chỉ có như vậy, sự nghiệp GDĐT nói chung, miền núi, vùng dân tộc nói riêng mới tạo được sự chuyển biến toàn diện, vững chắc.
Xuân Phú