Từ chỗ gần như “trắng” về mặt đường kiên cố hóa, qua 12 năm (2001 - 2013) triển khai phát triển giao thông nông thôn (GTNT) và được lòng dân đồng thuận, hạ tầng giao thông ở Đại Lộc đã hoàn toàn thay đổi.
Người dân bỏ công sức, tiền của đắp nền đường GTNT cho đảm bảo quy định. Ảnh: C.T |
Quyết tâm cao
Trao đổi bên lề hội nghị sơ kết 10 năm chương trình phát triển GTNT trên địa bàn Đại Lộc, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Trúc cho biết những năm trước, hệ thống giao thông của Đại Lộc rất yếu kém. Hạ tầng GTNT phần lớn là đường đất tự nhiên, chỉ có một số tuyến được đổ đất cấp phối, đất đồi nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, Đại Lộc nằm ở vị trí trọng điểm của vùng lũ, rất nhiều công trình đường sá, cầu cống bị hư hại mỗi năm.
“Đầu tư GTNT có ý nghĩa hết sức quan trọng. Không những phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự mà còn làm thay đổi cơ bản bộ mặt ở nông thôn theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc lý giải. Sau khi các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về GTNT được ban hành vào năm 1998, năm 1999 và 2009; UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định về quy chế liên quan, nhất là Quyết định số 19/2001/QĐ-UB và Quyết định số 29/2009/QĐ-UBND đã tạo cú hích cho phong trào phát triển GTNT trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng.
“Việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia làm GTNT thực hiện tốt, được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Những kinh nghiệm nêu trên sẽ được huyện tiếp tục áp dụng và phát huy cho những năm tiếp theo”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc - ông Đặng Hùng Trận) |
Chủ trương lớn hợp lòng dân đã được các cấp, các ngành ở địa phương triển khai quyết liệt, phát huy tính tự chủ, khơi dậy nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Đại Lộc - ông Phan Hành cho biết, từ năm 2001 - 2012, huyện huy động các nguồn vốn xây dựng được 360,979km đường bê tông có chiều rộng phổ biến từ 2,5m - 3,5m và 43 công trình cầu cống các loại. Tổng vốn đầu tư lên đến 119,098 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh đối ứng 42,236 tỷ đồng, ngân sách huyện 22,463 tỷ đồng, ngân sách xã 2,833 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng công và vật tư tại chỗ 51,566 tỷ đồng. Đến năm 2013, huyện tiếp tục hoàn thành 20,056 km với tổng kinh phí thực hiện hơn 11 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng). Kết quả này đã nâng tổng số chiều dài đường GTNT được bê tông hóa trên địa bàn huyện lên 381,035km/671,949km, đạt 56,71%.
Lòng dân đồng thuận
Thị trấn Ái Nghĩa là một trong những điểm đi đầu về phong trào làm GTNT ở Đại Lộc. Theo ông Hứa Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn, mọi việc đều công khai minh bạch, nên việc huy động sức dân dễ dàng. Nhiều tuyến đường qua vườn nhà dân, hoặc mặt bằng không đủ rộng để thi công, bà con động viên nhau tự giác tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ cây cối, hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù, hỗ trợ. Điển hình là tuyến GTNT dài gần 500m qua khu vực Gò Miễu thuộc tổ 6, khu 4 có 20 hộ dân sống rải rác. Muốn tuyến được đầu tư theo chương trình bê tông hóa GTNT năm 2012, ngoài công sức bỏ ra, người dân nơi đây đã góp tiền để mua đất, thuê xe chở đắp nền và sắm vật liệu (khoảng 60 triệu đồng). Người dân cùng góp hơn 300 ngày công thực hiện san nền, thi công công trình con đường dân sinh.
Tại xã Đại Quang, thôn Đồng Me có 20 hộ. Năm 2002, người dân quyết tâm bê tông hóa trục đường thôn hiện chỉ rộng 0,8m. Thôn chia thành 2 tổ, mỗi tổ 10 hộ làm một đoạn, đội nào xong trước sẽ được thưởng. Qua hơn 4 tháng triển khai, Đồng Me đã làm xong tuyến đường bê tông dài 450m, dày 0,16m. Nhờ vậy, sản phẩm nông nghiệp lưu thông thông suốt từ đầu bờ cho đến tận các phố chợ đầu mối. Theo ông Đặng Hùng Trận, bên cạnh những yếu tố về chuyên môn, kết quả đạt được là nhờ người dân giữ vai trò chủ thể với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng thụ”.
CÔNG TÚ