Cảng, hệ thống kho bãi, các tuyến vận tải thông qua cảng Chu Lai - Trường Hải sẽ được mở rộng; kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế.
Năng lực logistics
Tàu Asiatic Moon vận chuyển 232 container (464 teus) linh kiện ô tô, dây điện, ghế... cập cảng Chu Lai - Trường Hải ngày 7.5.2021. Hoàn tất xếp dỡ tại cảng trong sự kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, một ngày sau đó, Asiatic Moon lại bốc 17 container hàng nông sản (trái cây) và hàng xuất khẩu (hạt nhựa, nhựa thông, sợi xingdadong... của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP Quảng Ngãi đến các cảng khác trên thế giới. Ông Bùi Minh Trực – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Chu Lai – Trường Hải (Thilogi) cho hay con tàu này sẽ lại cập cảng, rời đi đều đặn hàng tuần.
Quảng Nam đã quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà. Toàn tuyến luồng có chiều dài 11km, từ phao số 0 đến bến cảng Chu Lai - Trường Hải sẽ được nạo vét đến cao độ -10m hải đồ, đảm bảo cho tàu 15.000 tấn (đủ tải), tàu 20.000 tấn và lớn hơn (giảm tải) cập cảng. Quảng Nam cũng đã nghiên cứu dự án đầu tư tuyến luồng mới – luồng Cửa Lở để cho phép tàu có tải trọng 50.000 tấn ra vào cảng thuận lợi.
Kể từ chuyến tàu SITC (20.000 tấn) từ cảng Incheon (Hàn Quốc) cập cảng số 1 Tam Hiệp an toàn ngày 5.8.2016, cảng biển nội địa này đã thành một “cảng quốc tế”, xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam, nhộn nhịp khác thường.
Thilogi khai thác các tuyến vận chuyển nội địa thông qua các đội tàu nội địa (2 tàu container công suất gần 1.000 TEUS gồm Trường Hải Star 2&3). Vận chuyển quốc tế thông qua việc hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới như CMA CGM, APL, ZIM, SICT, COSCO... mở các tuyến hàng hải trực tiếp từ Chu Lai đến các cảng lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Ít nhất có đến 4 hãng tàu quốc tế lớn cập cảng làm hàng mỗi tuần.
Một bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng đã chính thức được khởi công xây dựng hồi tháng 3.2019. Hệ thống kho, bãi tại cảng có diện tích lớn được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, phân chia theo từng khu vực chuyên dụng phù hợp với điều kiện bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển từng loại hàng hóa. Tính năng trọn gói logistics thể hiện từ dịch vụ cảng, vận tải biển, vận tải đường bộ, vận tải đa phương thức...
Thilogi đang thực hiện vận chuyển cho hơn 50 khách hàng thường xuyên và 40 khách hàng chiến lược với các loại hàng hóa, chủ yếu hàng container, hàng lạnh, siêu trường, siêu trọng, hàng dễ vỡ và các loại hàng nông sản, trái cây.
Hạ tầng cảng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, chuyên nghiệp, chi phí hợp lý kèm với hệ thống quản lý kho hàng trên nền tảng số hóa. Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp với thông tin của các hãng tàu, cảng biển, cảng hàng không, hải quan và hệ thống phương tiện vận tải kết nối, giúp khách hàng cập nhật thông tin hàng hóa nhanh chóng và chính xác.
Lợi thế cạnh tranh
So với nhiều cảng quốc tế ở miền Trung, cảng Chu Lai - Trường Hải “sinh sau đẻ muộn”, nhưng dễ dàng kết nối giao thương đến các KCN, khu kinh tế các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia…, mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á. Cảng này chủ động các nguồn hàng.
Ngoài hàng “xương sống” ô tô thành phẩm, linh kiện, máy móc, thiết bị và hàng nông nghiệp của chính Thaco, các mặt hàng khác như vật tư nông nghiệp phục vụ cho các nông trường Campuchia, Lào, Tây Nguyên, nhập từ cảng Chu Lai sẽ được vận chuyển ngược lên các nông trường và nhận trái cây về cảng, đã đủ sức để cạnh tranh.
Có nhiều lợi thế thuyết phục các KCN lân cận như Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Tam Thăng, Thuận Yên, VSIP Quảng Ngãi, KCN Dung Quất... chọn cảng Chu Lai để thực hiện các giao dịch. Trước đây, để giải bài toán logistics, Quảng Ngãi sẽ chở hàng ra Đà Nẵng, thậm chí vào TP.Hồ Chí Minh.
Giờ chỉ di chuyển tới Chu Lai khoảng 50km, có thể sử dụng được các hãng tàu quốc tế. KCN Tam Thăng, muốn xuất đi Hàn, Nhật hay Trung Quốc chỉ cần di chuyển hơn 20km vào tới Chu Lai để có thể kết nối với các hãng tàu quốc tế xuất khẩu đi khắp thế giới.
Ông Bùi Minh Trực nói các KCN thường có nguồn hàng đi châu Âu, châu Mỹ. Thilogi có lợi thế ít cảng nào có được là trước đây hàng linh kiện về Chu Lai, những container rỗng sẽ được xuất trả thì bây giờ đối lưu. Các doanh nghiệp ở các KCN sẽ tận dụng các vỏ rỗng này để xuất hàng hóa, chi phí sẽ giảm, rẻ hơn nhiều.
Ông Sun Yong Li - Tổng Giám đốc hãng tàu SITC nói các hải trình quốc tế được thực hiện chính nhờ vào sản lượng đủ lớn của Trường Hải. Nếu có luồng lạch cảng sâu lớn, cảng Chu Lai - Trường Hải là điểm đến hấp dẫn cho các hãng tàu lớn, mang hàng hóa đến và vận chuyển hàng hóa của khu vực này ra thế giới một cách dễ dàng.
Ông Trực cho hay sản lượng qua cảng dự kiến năm 2021 khoảng 4 triệu tấn/ năm (tăng hơn 33% so với năm 2020). Thilogi sẽ đầu tư năng lực xếp dỡ, mở rộng cầu cảng 365m về phía hạ lưu để xây dựng bến cảng đón tàu 50 nghìn tấn. Dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 11.2021, hoàn thành vào năm 2022.
Trong vòng 3 năm tới, chiến lược của Thilogi sẽ phát triển các tuyến vận tải thông qua cảng Chu Lai - Trường Hải để tập trung hàng hóa (tạo chân hàng), từng bước đưa cảng Chu Lai - Trường Hải trở thành một trung tâm giao nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế. Hiện thực hóa điều này, Thilogi mong tiến độ thực hiện dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, nghiên cứu khả thi thực hiện dự án đón tàu 50 ngàn tấn sớm thực hiện và theo đúng kế hoạch từng giai đoạn