Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện thời gian qua, nhưng so với mục tiêu và nhu cầu vốn vẫn còn khoảng cách khá xa.
Nhiều tuyến chưa đồng bộ
Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đặt ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được nhằm hình thành trung tâm logistics (cảng biển, sân bay); hệ đường trục giao thông chính gồm quốc lộ (QL) và cao tốc, hệ đường trục giao thông phụ như đường tỉnh (ĐT) và hệ đường giao thông tiếp cận (đường huyện và giao thông nông thôn). Trên cơ sở đó, giai đoạn từ 2015 đến nay, nhiều công trình mà nhất là các trục chính, trục phụ hay trục đường tiếp cận được triển khai trên địa bàn.
Nhưng theo ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT, so với quy hoạch được duyệt, lĩnh vực hàng không phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; cảng biển có phát triển nhưng chưa đồng bộ. Với đường bộ, hệ thống trục ngang (các QL 14G, 14B, 14D, 14E, 14H và 40B) hầu hết nhỏ, hẹp chưa đạt quy mô theo quy hoạch, kết cấu còn yếu, công trình cầu chưa đồng bộ; bức xúc nhất phải kể đến QL14G, QL14E và QL40B. Trong khi đó tiến độ nâng cấp, mở rộng cung đường do trung ương quản lý này triển khai chậm. QL14G vẫn chưa cho nghiên cứu đầu tư; còn công trình được Bộ GTVT nghiên cứu lập chủ trương song lại phụ thuộc vào cân đối ngân sách trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên tính khả thi còn là dấu hỏi.
Định hướng đến năm 2030, địa bàn Quảng Nam sẽ hình thành 12 trục giao thông phụ, gồm 8 trục kết nối Đông - Tây và 4 trục kết nối Bắc - Nam. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nhưng chưa đồng đều. Có thể thấy, việc đầu tư mới tập trung cho các khu đô thị, khu vực vùng đông nhằm tăng cường kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Khu vực phía tây cũng đã triển khai nhiều dự án, đơn cử như trục BN-02, tuyến ĐT606 thuộc trục Đông - Tây 01.
Ngược lại, vùng trung du lại đang có dấu hiệu tụt hậu về giao thông, nguyên do chưa được đầu tư nhiều nên các tuyến ĐT qua các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức và tây Núi Thành đều có mặt đường rất nhỏ, chưa liên tục như ĐT614, ĐT615, ĐT611B; các tuyến quy hoạch chuyển thành ĐT lại chưa được thực hiện.
Mười năm tới, hệ thống đường ĐT sẽ gồm 21 tuyến với tổng chiều dài khoảng 605km, phần lớn đi theo hiện trạng. Tuy nhiên, chỉ có 182/605km đạt quy mô, còn lại chưa được đầu tư; nhiều tuyến đường đã hình thành nhưng thiếu cầu nên chưa bảo đảm tính liên thông...
Tiếp tục xúc tiến đầu tư
Cần nguồn kinh phí lớn để tiếp tục đầu tư các trục giao thông
Hệ đường trục chính của tỉnh gồm 5 trục dọc (năm 2017 bổ sung thêm tuyến đường bộ dọc bờ biển là đường Võ Chí Công) và 6 trục ngang. Ngoài 12 hệ trục phụ, tỉnh còn quy hoạch bổ sung các trục đường ngắn nhưng có tính liên kết cao với các khu đô thị, khu kinh tế trọng điểm. Theo thống kê của Sở GTVT, danh mục dự án trên các trục giao thông chính đã, đang triển khai có tổng mức đầu tư ước 33.581 tỷ đồng (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chiếm 20.000 tỷ đồng); đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 12.450 tỷ đồng. Trên trục phụ và giao thông tiếp cận, các dự án đã, đang triển khai có tổng mức đầu tư 7.835 tỷ đồng bằng các nguồn ngân sách TW, địa phương, vốn vay ODA; đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức 15.260 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 16.100 tỷ đồng.
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT - ông Võ Công Phúc chia sẻ, hệ thống giao thông được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ. Việc lựa chọn danh mục công trình đã làm theo đúng quy hoạch đã phê duyệt. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế và chưa ổn định nên việc xác định danh mục công trình để đầu tư có lúc chưa kịp thời dẫn đến khó khăn trong thực hiện; vốn giải ngân chậm, các đơn vị triển khai dự án gặp trở ngại do thiếu thời gian chuẩn bị. Ngân sách trung ương chưa thể bố trí để mở rộng các trục QL đã kìm hãm sự phát triển chung của hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nên “điểm nghẽn” về giao thông, nhất là trục ngang.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng, tạo sự chủ động thực hiện và cân đối nguồn lực, việc xác định chiến lược, định hướng đầu tư đến năm 2030 là rất cần thiết. Theo đó, ưu tiên số một đầu tư trục phụ giai đoạn 2021 - 2025 là cần tiếp tục hoàn thiện các trục đường kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Xây dựng công trình cầu, các tuyến đường kết nối ngắn để liên thông trên các trục đường đã quy hoạch, như làm cầu Điện Quang (Điện Bàn) trên trục Đông-Tây 03; cầu Bình Dương (Thăng Bình) thuộc trục Đông-Tây 05 hay cầu Phú Thuận (Duy Xuyên - Đại Lộc) trên trục BN-01.
Chỉ đạo định hướng nghiên cứu xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển giao thông trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mới đây đã yêu cầu Sở GTVT tích cực làm việc với Bộ GTVT và các bộ, ngành trung ương xúc tiến đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến QL 14G, 14D, 14E, 14H, 40B qua địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật kỹ thuật theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tăng cường năng lực lưu thông trên tuyến, phát triển liên kết vùng.
Đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch và xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Chu Lai từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Đối với các tuyến đường bộ do tỉnh quản lý, căn cứ định hướng quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2030, phải ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến hiện có cũng như cầu yếu để kết nối thông tuyến, giải tỏa ách tắc về đi lại.
Đặc biệt, ưu tiên làm trước công trình thuận lợi về giải phóng mặt bằng, mật độ quá tải và đảm bảo yêu cầu giải ngân kịp thời nguồn vốn, phát huy hiệu quả đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan rà soát, cân đối khả năng nguồn lực giai đoạn tới mà xây dựng lộ trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để tiếp tục triển khai thực hiện.