Phát triển hạ tầng thương mại: Nhu cầu tăng tốc đầu tư

CHIÊU THỤC ANH 25/04/2013 08:27

Phát triển mạnh hạ tầng thương mại là nhu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nhiều địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng bố trí các “khu đất vàng” để thu hút đầu tư các dự án thương mại quy mô lớn.

Đầu tư chưa đúng mức

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 161 chợ. Trong đó có 2 chợ hạng 1 tại TP.Tam Kỳ và Hội An, 7 chợ hạng 2 (đa số nằm ở các huyện đồng bằng) và 7 chợ hạng 3 (ở các huyện miền núi như Tiên Phước, Phú Ninh, Nam Giang...). Phần lớn chợ trên địa bàn được xây dựng từ lâu, đến nay cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, quá tải, không đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh thương mại dịch vụ ngày càng gia tăng; nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết như phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường… “Ngoài loại hình chợ truyền thống, trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay đã xuất hiện các loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại siêu thị hạng 1 - Co.op Mart Tam Kỳ được xây dựng đi vào hoạt động năm 2007, siêu thị chuyên doanh quy mô nhỏ Nguyễn Văn Cừ, siêu thị văn hóa Gia Lai. Thực tế cho thấy, các loại hình thương mại hiện đại có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng do liên quan đến nhiều yếu tố nhu cầu mua sắm, nguồn vốn… dẫn đến chưa thu hút được nhà đầu tư” - ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết.

Mô hình trung tâm thương mại Co.opMart Tam Kỳ kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân. Ảnh: C.T.A
Mô hình trung tâm thương mại Co.opMart Tam Kỳ kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân. Ảnh: C.T.A
Cần có cơ chế thu hút đầu tư phát triển thương mại
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, hiện không thể nâng cấp tất cả các chợ trên toàn tỉnh mà phải chia giai đoạn, lựa chọn đầu tư. Do ngành thương mại không được xây dựng theo phương thức BOT nên cần có cơ chế thu hút đầu tư để huy động doanh nghiệp cùng tham gia. Sở Công Thương chịu trách nhiệm làm đầu mối giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế, phương án phát triển cơ sở hạ tầng thương mại để thông qua HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển thương mại cần ưu tiên cho xã nông thôn mới, khu công nghiệp có đông đảo công nhân lưu trú.

Ngoài ra, một số địa phương cũng triển khai các mô hình kinh doanh thương mại mới có hiệu quả như mô hình khu phố chợ Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) được xây dựng đi vào hoạt động năm 2010, mô hình khu phố chợ Nam Phước tại huyện Duy Xuyên đang triển khai bước đầu cũng tạo điểm nhấn đối với việc phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn và khu vực lân cận. Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhiều địa phương xác định xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại một số địa phương có thế mạnh về giao thông, có mối liên kết chặt chẽ với các khu vực xung quanh, hoạt động thương mại dịch vụ các năm qua khá phát triển… được Sở Công Thương tiến hành khảo sát thời gian qua như huyện Núi Thành, Phước Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình đều có mẫu số chung là hạ tầng thương mại chưa được đầu tư đúng mức, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh hoạt động thương mại dịch vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói: “Do Quảng Nam còn nghèo, có quá nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần giải quyết nên lâu nay việc phát triển thương mại chưa được đầu tư đúng mức. Đã đến lúc chúng ta cần phải “lục tủ rút hồ sơ” để làm việc, nếu không sẽ không kịp phát triển đồng bộ với kinh tế - xã hội của tỉnh khi mục tiêu đến năm 2020 Quảng Nam cơ bản là tỉnh công nghiệp”.

Phát triển hệ thống thương mại

Gần đây, một số địa phương đã chủ động quy hoạch và dành nhiều vị trí đắc địa, khu đất vàng cho việc xây dựng, phát triển các khu thương mại. Ông Phạm Văn Quyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Huyện đã có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại với hai loại hình là chợ truyền thống và trung tâm thương mại để phục vụ kịp thời cho việc phát triển khu kinh tế mở. Theo đó, địa phương đã dành khu đất “tam giác vàng” là nơi Bệnh viện Đa khoa trung ương đóng chân trước đây để xây dựng trung tâm thương mại. Nhà đầu tư không cần phải lo lắng về vị trí hay diện tích đất để phát triển kinh doanh nếu quyết định đầu tư vào Núi Thành”.

Ngoài Núi Thành, một số địa phương khác như Phước Sơn đang quy hoạch khu vực chợ thị trấn Khâm Đức với diện tích 8.000m2 để phát triển khu thương mại dịch vụ. Hay UBND huyện Thăng Bình thống nhất dành khu đất tại ngã tư Hà Lam hiện là khu vực kinh doanh xăng dầu nhưng sẽ hết hạn thuê đất vào tháng 10.2014 để kêu gọi đầu tư xây dựng cửa hàng tiện ích hoặc cửa hàng chuyên doanh…

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển hạ tầng thương mại: Nhu cầu tăng tốc đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO