Khu vực hạ lưu sông Thu Bồn sở hữu nhiều giá trị đặc trưng chứa đựng tiềm năng lớn để khai mở du lịch nhưng cần khai thác hợp lý để tránh hoang phí nhưng vẫn giữ được tính hoang sơ.
Sông Thu Bồn sở hữu những giá trị nổi trội về địa hình, địa mạo, cảnh quan sinh thái, hệ thống cồn bãi tự nhiên, khu vực đất ngập nước... Các sinh cảnh này tồn tại trong tự nhiên qua bao đời có vai trò nhất định trong chuỗi mắt xích sinh học và các quy luật biến đổi của tự nhiên.
Những tác động xã hội vào cấu trúc tự nhiên này ít nhiều đều làm thay đổi quy luật vận hành của hệ sinh thái và tất yếu dẫn đến sự điều chỉnh của tự nhiên để thiết lập mức cân bằng mới. Những hiện tượng mà chúng ta đang đối mặt như xói lở bãi biển, sạt lở bờ sông, lũ lụt, trầm tích trên các rạn san hô chính là những hệ quả của quá trình thiết lập cân bằng mới trước những tác động của con người vào cấu trúc tự nhiên của các sinh cảnh.
Trong định hướng bảo tồn không gian sinh thái tự nhiên của quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2050, phần lớn toàn bộ cồn đảo chưa bị tác động sẽ được tổ chức hệ thống công viên và không gian xanh. Một phần nhỏ của các đảo sẽ được cho phép phát triển du lịch, dịch vụ.
Theo ông Lê Ngọc Thảo - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, việc đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng tại các khu vực mà ta cho rằng không có giá trị kinh tế, hay là sự “hoang phí” như hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông… chính là ta đã đánh mất những giá trị to lớn về cảnh quan, về tính liên kết sinh thái và đặc biệt là giá trị “hoang sơ” vô cùng quý giá đối với khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An đã được UNESCO công nhận.
Cần nghiên cứu phân tích đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá môi trường cho từng dự án cụ thể và cân nhắc sự đánh đổi khi quyết định đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn khu sinh quyển.
Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương liên quan về việc đánh giá tác động môi trường với 15 dự án đầu tư, chủ yếu là dự án du lịch tại khu vực cồn bãi trong lòng sông và ven sông Thu Bồn.
Với 3 dự án đã đưa vào khai thác, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương thường xuyên nạo vét các hệ thống kênh mương thoát lũ tại khu vực xung quanh để tăng cường thoát lũ, giảm thiểu tác động đến môi trường, khu vực dân cư lân cận và đảm bảo yêu cầu về phòng chống thiên tai.
Với 4 dự án đang triển khai thi công và 8 dự án chưa triển khai, chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình đã và đang thi công; rà soát hồ sơ quy hoạch xây dựng, cao trình san nền, phạm vi, ranh giới khu vực dự án đảm bảo khoảng cách an toàn hành lang bảo vệ sông theo quy định.
Đồng thời rà soát hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bổ sung nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 23 của Chính phủ.