Huyện Thăng Bình đang nỗ lực phát triển bền vững nghề cá thông qua thành lập các hợp tác xã chuyên trách dịch vụ hậu cần.
Dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ giúp ngư dân Thăng Bình tăng giá trị kinh tế chuyến biển. |
Đang vụ cá bắc nên bến cá trung tâm xã Bình Minh (thôn Tân An, xã Bình Minh) nhộn nhịp ghe thuyền cập bến, mua bán hải sản. Điều đáng nói, bến cá duy nhất của huyện Thăng Bình có diện tích quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu giao thương của ngư dân địa phương. Hệ thống xử lý môi trường của bến cá này không có, đường giao thông ra vào bến chật hẹp. Bến cá lại nằm trong khu dân cư nên rất mất trật tự và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của UBND huyện Thăng Bình, ngoài bến cá trung tâm xã Bình Minh, toàn huyện có 3 điểm tập kết sản phẩm hải sản khai thác bãi ngang, 2 cửa hàng xăng dầu, 3 cửa hàng bán ngư lưới cụ, 4 cơ sở sản xuất đá lạnh. Mặc dù huyện đã thành hình nghề chế biến hải sản nhưng quy mô sản xuất lại quá nhỏ lẻ, mới dừng ở sơ chế, tẩm cá, phi lê, làm khô và chượp cá. Rất dễ để nhận thấy dịch vụ hậu cần nghề cá của Thăng Bình chưa phát triển, thiếu quy hoạch, chưa đáp ứng được vai trò “hậu phương” của ngành khai thác hải sản.
Từ thực trạng này, mới đây, UBND huyện Thăng Bình đã thống nhất các phương án phát triển hậu cần nghề cá của huyện, lấy đó làm bệ đỡ phát triển bền vững cho toàn ngành. Hướng phấn đấu đến năm 2020, phát triển các đội tàu cá công suất lớn, hiện đại, có hệ thống dịch vụ hậu cần đi kèm. Huyện lên kế hoạch thu hút các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển ngành dịch vụ phụ trợ phục vụ cho khai thác hải sản gắn với mô hình hợp tác xã, tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. “Mục đích của nỗ lực đầu tư này là liên kết “ba nhà”: nhà nước - ngư dân - doanh nghiệp. Có vậy mới đảm bảo ổn định đầu ra hải sản, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân ven biển” - ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết. Lộ trình thực hiện của huyện là trong giai đoạn 2014 - 2015 sẽ vận động thành lập 3 hợp tác xã nghề cá và huy động, tổ chức xây dựng mới 1 bến cá, 1 khu neo đậu tàu thuyền và vận động xây dựng 1 kho đông lạnh, 1 cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá. Đến giai đoạn 2016 - 2020, huyện tổ chức vận động thành lập thêm 1 hợp tác xã nghề cá và xây dựng 3 kho đông lạnh bảo quản sản phẩm hải sản khai thác được.
Về khai thác hải sản trên biển, các đội tàu đánh cá của hợp tác xã được tổ chức thành các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển phối hợp với nhau theo từng ngành nghề và ngư trường khai thác. Các hợp tác xã của ngư dân quản lý lao động và tổ chức sản xuất trên biển theo cơ chế xã viên thường xuyên giữ liên lạc với tổ trưởng và các tàu thường xuyên thông tin về ngư trường đánh bắt cũng như tham gia giúp đỡ các tàu khác khi có sự cố trên biển. Về tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ, phương án của huyện là khai thác tốt các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, vật tư ngư cụ, lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu cá. Tiếp đến là tổ chức phân loại, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm khai thác. Các hợp tác xã là đầu mối giúp xã viên nắm rõ các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá đồng thời hướng dẫn các xã viên thực hiện đầy đủ các thủ tục để được hưởng các chính sách của hỗ trợ nhà nước.
VIỆT QUANG