Đề án “Phát triển hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, giai đoạn 2015 - 2019 bước đầu đạt được kết quả nhưng việc duy trì và phát triển hệ thống này lại gặp khó.
Nỗ lực thay đổi
Giai đoạn 2012 - 2015, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên địa bàn tỉnh. Đó là Quyết định số 2937/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX, phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2012 - 2015”. Cùng với đó, đề án triển khai cho 50 điểm BĐVHX thuộc 50 xã về đích NTM giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1650/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng NTM đến năm 2020”, chọn 96 xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh triển khai. Trong đó, 15/96 xã chưa có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, 2 xã có điểm BĐVHX ngừng hoạt động. Sách báo tại các điểm BĐVHX cũ, hư hỏng do mưa bão; đa số các điểm BĐVHX bị dột, thấm. Hầu hết BĐVHX chưa cung cấp dịch vụ internet công ích cho người dân truy cập, tìm hiểu thông tin. Thu nhập bình quân của mỗi nhân viên BĐVHX chỉ với mức lương 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Nhiều BĐVHX hầu như không có doanh thu, nhiều điểm doanh thu chưa tới 1 triệu đồng/tháng...
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, giai đoạn 2015 - 2019, Quảng Nam đã đầu tư 192 máy tính, 192 bộ bàn ghế máy tính, 96 tủ sách, 96 bộ bàn ghế đọc sách; 27.839 đầu sách, hơn 343.263 đầu báo. UBND tỉnh đã đầu tư 5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ triển khai đề án. Bưu điện tỉnh cũng ưu tiên chi phí sửa chữa tài sản của đơn vị để tập trung sửa chữa khắc phục những hư hỏng tại các BĐVHX. Phần lớn các điểm đã được củng cố cơ sở vật chất. Từ nguồn hỗ trợ từ các đề án, bộ mặt BĐVHX có nhiều khởi sắc hơn. Một số BĐVHX: Đại Phong, Tiên Mỹ, Duy Sơn, Quế Long, Điện Phước... đã được “khoác áo mới”. BĐVHX hoạt động tốt cũng góp phần đảm bảo thực hiện tiêu chí số 8 về xây dựng NTM ở cơ sở... Qua 5 năm, hệ thống BĐVHX được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều điểm đã thu hút người dân tới giao dịch, chuyển phát thư từ, chuyển tiền. Số lượng người dân đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin thông qua sách báo, internet tăng lên. Doanh thu của các điểm BĐVHX đã tăng, bình quân doanh thu phát sinh khoảng 10 triệu đồng/tháng/điểm.
Quyết liệt gỡ khó
Triển khai Quyết định số 143/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành “Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, Quảng Nam đã có những cải thiện bước đầu một số điểm BĐVHX. Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, năm 2019, tại các xã Tam Lộc (Phú Ninh), Tiên Mỹ (Tiên Phước), Quế Lộc (Nông Sơn), Bình Triều (Thăng Bình), Đại Hồng (Đại Lộc), Duy Trinh (Duy Xuyên) đã chuyển Bộ phận một cửa sang bưu điện để cùng phục vụ người dân theo nội dung của đề án. Bưu điện cũng tham gia luân chuyển hồ sơ liên thông từ xã lên huyện và trả kết quả về tận nhà người dân; triển khai việc thu phí, thu hộ phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua bưu điện. Tính đến ngày 31.10.2019, có 12.495 hồ sơ được tiếp nhận; 453.920 hồ sơ được trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích; 100% hồ sơ không bị thất lạc, hư hỏng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình chuyển phát...
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Trần Việt Hùng, việc duy trì và cải thiện hoạt động của BĐVHX còn nhiều khó khăn. “Năm 2020 là năm cuối cùng triển khai đề án, nhiều vấn đề cần sớm giải quyết, tháo gỡ. Đề nghị Sở TT-TT cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung còn lại của Quyết định 1650 của UBND tỉnh. Tiếp tục trang bị sách báo cho 146 Điểm BĐVHX; tiến hành rà soát lại hiện trạng trang thiết bị được đầu tư, có kế hoạch quản lý theo dõi, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, duy tu điểm BĐVHX để tiếp tục duy trì hoạt động của điểm BĐVHX phục vụ nhân dân khi đề án kết thúc. Tổ chức tổng kết, đánh giá đề án sau 6 năm triển khai, đề xuất giải pháp kế thừa các thành quả mà đề án đã mang lại. Bưu điện tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh có cơ chế triển khai nhân rộng các điểm BĐVHX triển khai tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo tinh thần Quyết định số 143 của UBND tỉnh và tinh thần Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh” - ông Hùng đề xuất.