Phát triển hệ thống phục hồi chức năng: Còn nhiều khoảng trống

LÊ QUÂN 02/11/2023 03:35

Phục hồi chức năng là một trong những lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, người khuyết tật hiện khó tiếp cận được các dịch vụ phục hồi chức năng, dù hệ thống y tế cung cấp dịch vụ này đã phát triển ở các tuyến. 

Thông qua hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhiều cơ sở y tế tổ chức khám cho người khuyết tật tại một số địa phương. Ảnh: ACDC
Thông qua hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhiều cơ sở y tế tổ chức khám cho người khuyết tật tại một số địa phương. Ảnh: ACDC

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo số liệu từ Sở LĐTB&XH, năm 2022, Quảng Nam có 71.439 người khuyết tật (NKT); trong đó có hơn 15 nghìn NKT đặc biệt nặng, 48.010 NKT nặng và hơn 8.400 NKT nhẹ.

Trong khi đó, thông tin từ Hệ thống thông tin về NKT (DIS) của Bộ Y tế, Quảng Nam có khoảng 5.200 NKT cần khám phục hồi chức năng (PHCN) và 5.900 NKT cần dịch vụ chỉnh hình, chân tay giả, dụng cụ trợ giúp nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ.

Hiện tại, Quảng Nam có 27/34 cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN, trong đó có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật PHCN theo hướng đa ngành, bao gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp. Các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thực hiện được trên 50% dịch vụ kỹ thuật về PHCN.

Trong các năm qua, Quảng Nam đã nỗ lực để cung cấp các dịch vụ PHCN cho NKT tại nhà, kết hợp với chuyển tuyến theo tiếp cận đa chuyên ngành. Tuy nhiên, NKT vẫn phải đối mặt với những khó khăn liên quan tới tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội.

Theo nhận định của ngành y tế, mặc dù số chương trình đào tạo nguồn nhân lực PHCN đã được triển khai tại Quảng Nam trong thời gian vừa qua, nhưng số lượng cán bộ PHCN hiện có vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của NKT tại địa phương.

Các dịch vụ chăm sóc cho NKT còn thiếu và chưa đảm bảo về mặt chuyên môn, đặc biệt với các dịch vụ chăm sóc tại nhà hay hỗ trợ tâm lý còn là khoảng trống rất lớn. Đồng thời, theo các báo cáo đánh giá, chất lượng sống của NKT ở Quảng Nam còn thấp do một số khó khăn trong thực thi chính sách, thái độ của cộng đồng và một số rào cản xã hội khác.

Phát triển mạng lưới cơ sở PHCN

Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 500 người gồm bác sĩ PHCN, kỹ thuật viên PHCN công tác tại các đơn vị PHCN tuyến tỉnh, huyện cũng như cán bộ y tế tuyến xã. Đây là kết quả của các dự án liên quan đến PHCN do các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Quảng Nam.

Các dự án đã giúp ngành y tế Quảng Nam phát triển được đội ngũ nhân lực mới về PHCN, bổ sung cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, qua đó lấp đầy khoảng trống về nhân lực PHCN tại các địa bàn, kể cả các huyện miền núi.

Bên cạnh nhóm đối tượng là bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu, các dự án đều chú trọng phát triển nguồn nhân lực PHCN trong các lĩnh vực kỹ thuật mới gồm hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và dụng cụ trợ giúp. Điều này đã giúp Quảng Nam có được đội ngũ cán bộ PHCN đầy đủ các chuyên ngành sớm và mạnh so với nhiều tỉnh khác.

Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành PHCN vẫn còn thiếu, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở so với nhu cầu của NKT toàn tỉnh. Mạng lưới PHCN tuyến xã chưa có hoặc đã có cán bộ phụ trách PHCN nhưng chưa được đào tạo kiến thức cơ bản, cùng với việc các bệnh viện chuyên khoa hầu như chưa tổ chức khám chữa bệnh PHCN, ngoại trừ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Cùng với đó, dù Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã có bộ môn Y học cổ truyền và PHCN, có giảng viên nhưng chưa triển khai hoặc liên kết đào tạo các chức danh chuyên môn theo kế hoạch do nguồn lực giảng viên tại chỗ chưa đủ, chưa có năng lực xây dựng được chương trình đào tạo và đăng ký mở mã ngành đào tạo.

Tháng 5/2023, Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu bảo đảm NKT và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng... Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện chương trình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình thực hiện.

Tại Quảng Nam, ngành y tế cũng đang xây dựng và trình UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung để củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm cũng như bảo đảm NKT và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển hệ thống phục hồi chức năng: Còn nhiều khoảng trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO