“Chiến lược phát triển khoa học & công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” vừa được lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN xung quanh việc thực thi chiến lược này.
Chiến lược lần này đặt ra nhiệm vụ là phải xây dựng cho được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP.Tam Kỳ. Nhiều người e rằng khó khả thi, bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Bà Lê Thủy Trinh: Tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đã xuống cấp, cần thiết phải phát triển công nghệ sinh học, công nghệ nuôi cấy mô. Nhiều địa phương khác đã thành công về nông nghiệp công nghệ cao rồi, tại sao chúng ta lại không làm được? Trước hết, thuận lợi là Tam Kỳ rất quyết tâm thực hiện đề án. Về kinh phí, không phải là chuyện quá đáng lo, chính quyền có thể sẽ tạo điều kiện về đất đai, quan trọng là phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Thiết nghĩ, doanh nghiệp sẽ rất muốn đầu tư nếu được đáp ứng và hưởng đầy đủ cơ chế hỗ trợ, khuyến khích. Khi doanh nghiệp làm đầu tàu, người dân Quảng Nam sẽ có cơ hội tiếp cận, được chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo động lực để phát triển.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
- Kết quả giám sát của HĐND tỉnh trong suốt 10 năm qua chỉ ra, hơn 45% sản phẩm từ nghiên cứu là ứng dụng tốt vào cuộc sống. Nhiều người thắc mắc về sản phẩm nghiên cứu bị “bỏ ngăn kéo”?
- Bà Lê Thủy Trinh: Bất cứ một đề tài, dự án nào triển khai thì mong muốn của hội đồng xét duyệt lẫn hội đồng nghiệm thu là lý thuyết phải sát thực tiễn, không phải lý thuyết suông. Có những đề tài ý tưởng tốt nhưng khi đi vào thực hiện lại gặp nhiều khó khăn. Lực lượng quản lý, nhà khoa học không đủ năng lực để triển khai đi tới kết quả cuối cùng. Có những đề tài khi thẩm định, duyệt kinh phí còn giới hạn dẫn đến ảnh hưởng tới phạm vi, mục tiêu và kết quả, sản phẩm của đề tài. Một yếu tố nữa là nghiên cứu khoa học có tính rủi ro, một nghiên cứu thất bại cũng là bài học kinh nghiệm để các ngành, địa phương không theo hướng đó nữa. Lấy ví dụ về đề tài nuôi cừu Phan Rang trên vùng đất cát Thăng Bình, hai mô hình thất bại bởi thực tế thì con cừu có thể sống tốt trên vùng đất cát, nắng và gió Phan Rang, song lại không thể tồn tại trên vùng đất Thăng Bình, nơi có điều kiện khí hậu tương đồng. Thất bại này cũng là bài học kinh nghiệm để ngành nông nghiệp và các địa phương không xây dựng tiếp mô hình hay du nhập giống mới này vào tỉnh. Đề tài về phát triển cây ca cao, nuôi cá chình ở Quảng Nam cũng vậy. Đề tài không thành công thì đây cũng là khuyến cáo, là kinh nghiệm để ngành nông nghiệp dừng lại, không triển khai nữa.
Tính trễ, tính đi trước trong khoa học cũng là một dạng “bỏ ngăn kéo”. Kết quả đề tài, sản phẩm có thể tốt nhưng không có điều kiện để áp dụng vào thực tế, bị ràng buộc bởi một số rào cản, điều kiện cụ thể như nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện sản xuất, quan hệ sản xuất… thay đổi quá nhiều so với thời điểm triển khai nên không thể áp dụng. Nhóm đề tài, dự án thuộc khối xã hội thường bị đánh giá là bỏ tủ nhiều nhất. Tuy nhiên, ứng dụng của khoa học xã hội nhân văn thì khó có thể cân đo, đong đếm được. Không thể phủ nhận những đóng góp của nghiên cứu thuộc lĩnh vực này vì trên thực tế, có những đề tài đặt cơ sở, nền móng cho hoạch định chính sách phát triển của tỉnh, hoặc bất cứ nghiên cứu nào, dự án nào đều phải sử dụng những tư liệu này. Có thể kể đến đề tài điều tra cơ bản về nguồn nước ngầm, khảo sát nguồn lợi thủy sản, hay đề tài về khảo sát, đánh giá về khí hậu, thủy văn Quảng Nam…
- Thời gian tới, để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm/đề tài nghiên cứu KH&CN, gắn KH&CN với sản xuất và đời sống, giải pháp được Sở KH&CN đưa ra là gì, thưa bà?
- Bà Lê Thủy Trinh: Trước hết là cơ chế “đặt hàng”. Đây là cơ sở đầu tiên để hội đồng xét duyệt đề tài, phương án ứng dụng sản phẩm của đề tài phải được thể hiện rõ ngay trong đề cương đăng ký xét duyệt. Giai đoạn tới, ngành KH&CN sẽ tăng cường nắm thông tin báo cáo giám sát các ngành triển khai, ứng dụng sản phẩm từ nghiên cứu hiệu quả tới đâu. Việc nâng tỷ trọng nhóm đề tài/dự án nghiên cứu, ứng dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, y tế… đạt 60% trong tổng danh mục đề tài/nhiệm vụ cũng là mục tiêu trọng tâm. Sở KH&CN sẽ tham mưu tỉnh ban hành các cơ chế để các huyện/thị xã/thành phố có thể lồng ghép nhiều nguồn kinh phí khác nhau để nâng cao tính ứng dụng các sản phẩm từ nghiên cứu.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, sẽ chú trọng ứng dụng giống mới vào sản xuất, bên cạnh bảo tồn các giống bản địa, đặc hữu, bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hướng tới xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn trong nông nghiệp để vươn ra thị trường lớn. Với công nghiệp, phải gắn KH&CN với doanh nghiệp, phải xây dựng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của tỉnh. Đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đề án năng suất chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ. Các nhiệm vụ trong giai đoạn này sẽ hướng tới những nhiệm vụ mang tính cấp thiết của tỉnh, có như vậy mới giảm tình trạng “bỏ ngăn kéo”…
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
HOÀNG LIÊN (thực hiện)