(QNO) - Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh" đã chỉ ra những tồn tại; đồng thời có nhiều hiến kế từ chuyên gia để khai thác bền vững tài nguyên biển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Hội thảo diễn ra ngày 19.10 tại TP.Đà Nẵng do Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức.
Nhiều thách thức
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới 16 khu bảo tồn biển hiện nay ở nước ta dần hình thành, hoàn thiện và có những kết nối để quản lý, bảo vệ, bước đầu khai thác hiệu quả hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản phong phú. Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, hệ thống các khu bảo tồn biển trên cả nước vẫn còn không ít tồn tại.
Theo ông Jacob Brunner - Giám đốc điều hành IUCN khu vực Đông Nam Á, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt ở các khu bảo tồn biển tại Việt Nam chỉ vào khoảng 1%, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế (khoảng 30%) khiến công tác bảo tồn hệ sinh thái gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nghiên cứu từ IUCN, một yếu tố cốt lõi làm cản trở quá trình bảo tồn, phát huy hiệu quả hệ sinh thái ở các khu bảo tồn biển chính là sự hợp tác thiếu chặt chẽ từ cộng đồng dân cư địa phương. Một phần từ việc ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế khiến người dân khai thác thủy hải sản bất chấp trong khu vực bảo vệ, mặc dù nhận thức điều đó là sai trái.
Tình trạng một số khu bảo tồn biển chưa có lực lượng kiểm ngư hoặc tuần tra phối hợp không hiệu quả khiến nhiều loài sinh vật có giá trị cao bị khai thác quá mức, quần thể bị suy giảm như: hải sâm, tôm hùm, bào ngư... Việc phát triển du lịch ồ ạt cộng với quá trình bê tông hóa để phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương cũng như dịch vụ phục vụ cho du khách cũng khiến hệ sinh thái của nhiều khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng không nhỏ.
Được biết ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện nay diện tích bảo vệ nghiêm ngặt cũng chỉ khoảng 1,26km2 (tức khoảng 1%). Tuy nhiên, chính nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ hệ sinh thái của cư dân địa phương đã giúp giảm thiểu rõ rệt các nguy cơ tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản nhiều năm qua. Điều này được các chuyên gia đánh giá cao tại hội thảo.
Hài hòa trong khai thác và bảo tồn
Biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao với hơn 11 nghìn loài sinh vật được phát hiện. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 4 năm gần đây đã có 767 vụ vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn biển.
Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, từ các điển hình như Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận)... cho thấy việc cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và lân cận các khu bảo tồn biển để người dân nhận rõ được lợi ích, đồng hành cùng ban quản lý sẽ giảm sức ép rất lớn trong việc xâm hại bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản.
Ông Jacob Brunner cho rằng, tuy công tác bảo tồn biển đang gặp nhiều thách thức nhưng IUCN sẽ đồng hành cùng với Việt Nam để phát triển các khu bảo tồn biển một cách bài bản và hiệu quả. Trong đó có việc hỗ trợ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mở rộng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt so với hiện nay.
Theo PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), việc bảo vệ các bãi đẻ, ươm giống của các loài sinh vật biển, nhất là các nguồn lợi thủy hải sản quý hiếm cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần có cơ chế và biện pháp thực thi để doanh nghiệp và cộng đồng đồng quản lý, sử dụng tài nguyên.