Phát triển kinh tế 3 tháng đầu năm 2019: Tín hiệu khả quan

TRỊNH DŨNG 02/04/2019 12:12

Doanh nghiệp mở rộng đầu tư, dòng vốn đổ nhiều vào nền kinh tế… là tín hiệu khả quan về độ tăng trưởng của Quảng Nam. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều khoảng trống điều hành, quản lý nên khó tăng trưởng như kỳ vọng… Đó là những vấn đề được quan tâm luận bàn tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì vào sáng qua (1.4).

Doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh... đã góp thêm động lực tăng trưởng cho Quảng Nam.Ảnh: T.D
Doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh... đã góp thêm động lực tăng trưởng cho Quảng Nam.Ảnh: T.D

Sức bật của nền kinh tế

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, đã xuất hiện sự bùng nổ đầu tư của các dự án lớn. Tại Khu công nghiệp Tam Thăng, giai đoạn 1 dự án sản xuất sợi vải mành, sợi ny lon, sợi thép với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD của Tập đoàn Hyosung đã chính thức khởi công xây dựng. Nhà máy chỉ may, chỉ thêu Amann đang đào tạo lao động đi vào sản xuất. Tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai – Trường Hải, Thaco đã đồng loạt khởi công 4 dự án với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Bảo – Giám đốc sản xuất Thaco cho biết năm 2019 sẽ sản xuất 106.773 xe, tăng 28% so năm 2018...

Sự gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp đã tạo nên sức bật tăng trưởng kinh tế. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng qua đã tăng gần 9%, chủ yếu ở công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản xuất tăng, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã tăng 51% so với tháng trước, chỉ số tồn kho lĩnh vực này cũng đã giảm 0,7% và số lao động tăng đến 2,8%. Một lượng vốn lớn đã đổ vào nền kinh tế với tổng dư nợ cho vay hơn 68.089 tỷ đồng (tăng 34% so cùng kỳ) với dư nợ cá nhân, hộ gia đình đã chiếm hơn 50%, tăng gần 11%. Con số vốn tăng trưởng này được ghi nhận là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã đưa đến bức tranh ngân sách trở nên “nhiều màu sắc” hơn khi tổng thu ngân sách 3 tháng qua đạt hơn 7.500 tỷ đồng (bằng 32,4% dự toán). Thu nội địa chiếm đến 5.600 tỷ đồng, bằng 30,2% dự toán, vượt hơn 5% tiến độ thu, nhiều nhất ở FDI và khu vực tư nhân. Thu xuất nhập khẩu có vẻ khởi sắc với 1.900 tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán và tăng 27,8% so cùng kỳ. Ngoài ra, dịch vụ hành chính công đã được nâng cao chất lượng (98% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn), thêm 134 doanh nghiệp gia nhập thị trường và cấp phép 8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 15,9 triệu USD.

Nâng cao năng lực quản lý

Tuy nhiên, những thống kê trên rất khó để nhận diện tăng trưởng Quảng Nam đã đi đúng hướng hay chưa khi có quá nhiều chỉ số có vẻ như trái ngược nhau. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 5.445 tỷ đồng, chỉ bằng 85% so với cùng quý năm 2018, nhưng tốc độ giải ngân mới khoảng 378 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 10% kế hoạch, chủ yếu ở các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng. Nguồn lực đầu tư trở nên yếu ớt khi chỉ khoảng 4.923/8.980 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao. Số còn lại chưa phân bổ với lý do các công trình khởi công mới năm 2019 chưa đảm bảo hồ sơ, thủ tục và một số chương trình nghị quyết hỗ trợ sau đầu tư. Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói tỷ lệ giải ngân thấp đến 16% so với năm trước và thấp nhiều so với tỷ lệ giải ngân bình quân trên cả nước. Nếu tình trạng này không thay đổi, rất khó để thấy sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Quảng Nam.

Doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh... đã góp thêm động lực tăng trưởng cho Quảng Nam.Ảnh: T.D
Doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh... đã góp thêm động lực tăng trưởng cho Quảng Nam.Ảnh: T.D

Khá nhiều ý kiến cho rằng khoảng trống lớn nhất hiện tại vẫn là chuyện lo ngại ô nhiễm môi trường vì thiếu nhà máy thu gom, xử lý chất thải rắn. Ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN&MT nói đã lựa chọn được địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung nhưng khó khăn lớn nhất là rất khó thỏa thuận với người dân hay sẽ phải sử dụng công nghệ gì cho phù hợp khi các bộ, ngành trung ương vẫn chưa cho ý kiến về vấn đề này một cách cụ thể và quy trình thẩm định, phê duyệt dự án, thủ tục giao đất kéo dài, ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án này.

Vấn đề xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vùng đông và thiếu vốn lẫn đầu tư quy hoạch chi tiết lại là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất. Sở TN&MT cho hay thiếu sự phối hợp đã khiến việc quản lý đất đai lỏng lẻo, lực lượng tư vấn mỏng trong khi khối lượng hồ sơ kê khai, đăng ký nhiều, khó xử lý bởi nguồn gốc và thời điểm sử dụng khá phức tạp… Hiện tiến độ phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nhân dân Tam Kỳ đạt 83,03%, Thăng Bình (95,75%) và  Duy Xuyên (81,98%). Ông Trần Nam Hưng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nói, cho đến bây giờ vẫn chưa có đủ quy hoạch các phân khu vùng đông nên đã dẫn đến tình trạng khó quản lý, khó thu hút đầu tư…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu phân tích nguồn thu, rà soát lại toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, phân bổ vốn, nhanh chóng hoàn tất việc chỉnh lý, đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hồ sơ dữ liệu địa chính vùng đông vào cuối năm nay. Xúc tiến nhanh các dự án xử lý rác thải, tìm kiếm nhà đầu tư, đẩy nhanh dự án đầu tư chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh…

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế 3 tháng đầu năm 2019: Tín hiệu khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO