Phát triển kinh tế ở TP.Hội An: Tìm hướng xoay xở

KHÁNH LINH 26/04/2020 20:29

Nhiều năm qua, thương mại, du lịch, dịch vụ được xem như xương sống của kinh tế Hội An. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động du lịch đình đốn. Tìm hướng phát triển kinh tế để chờ dịch vụ du lịch phục hồi được xem là giải pháp cấp bách của thành phố thời điểm hiện nay.

Thành phố Hội An triển khai nhiều giải pháp để người dân chuyển hướng sản xuất khi dịch vụ du lịch bị ngưng trệ. Ảnh: K.LINH
Thành phố Hội An triển khai nhiều giải pháp để người dân chuyển hướng sản xuất khi dịch vụ du lịch bị ngưng trệ. Ảnh: K.LINH

Thích ứng

Nguyễn Thị Yến (quê Cẩm Thanh) là nhân viên lễ tân của một công ty lặn biển tại Cù Lao Chàm. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty ngừng hoạt động, chị phải ở nhà. Thế nhưng chỉ vài hôm, chị đã tìm được công việc mới là trồng cỏ tại các công trình khách sạn. “Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 350 nghìn đồng, xem như tạm ổn để duy trì cuộc sống chờ hết dịch đi làm lại”- chị Yến nói. Chị Yến là một trong số hàng trăm lao động ở Cẩm Thanh nhanh chóng chuyển hướng mưu sinh khi hoạt động du lịch bị ngưng trệ. 

Tại Cẩm Thanh, vài năm gần đây, du lịch đã trở thành công việc tạo thu nhập chính cho rất nhiều hộ dân với các hoạt động kinh doanh buôn bán và đưa khách tham quan rừng dừa nước Bảy Mẫu. Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, xã đã tuyên truyền, quán triệt người dân nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề phù hợp nhằm thích ứng với tình hình mới.

“Mặc dù xác định du lịch là hướng phát triển chính của địa phương nhưng các ngành nghề khác như làm ruộng, đánh bắt hải sản, chằm lá dừa… vẫn được duy trì chứ không phải bỏ đi, nên khi du lịch ngừng hoạt động thì người dân quay về với các nghề cũ, thu nhập có thể sụt giảm hơn nhưng cuộc sống bà con nhìn chung cũng ổn” - ông Linh thông tin.

Tại TP.Hội An, nhiều năm qua kinh tế du lịch đóng vai trò chi phối hầu hết ngành nghề, do đó du lịch ngưng trệ cũng đồng nghĩa tác động tiêu cực đến tất cả hoạt động kinh tế liên quan. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, nhằm duy trì sản xuất ổn định, thời gian qua thành phố đã vận động nhân dân phục hồi các ngành nghề truyền thống như khai thác hải sản; tập trung vào các vụ lúa mùa; các ngành thủ công mỹ nghệ có thể xuất khẩu... nhằm duy trì sản xuất hoặc chí ít cũng phải đảm bảo được lương thực thực phẩm tại chỗ.

“Hiện nay chỉ còn ngành xây dựng có thể sống được, những ngành khác rất khó khăn. Nên trước mắt chỉ tập trung đảm bảo đời sống người dân, nếu vượt quá khả năng của địa phương, của tỉnh thì phải nhờ Chính phủ chi viện thôi” - ông Sơn chia sẻ.

Giữ vững sản xuất chờ hết dịch

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thành phố sụt giảm khá mạnh. Riêng khu phố cổ, tính đến hết quý I.2020 chỉ có hơn 340 nghìn lượt khách mua vé tham quan, giảm gần 36% so với cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động bán vé đạt khoảng 40 tỷ đồng, giảm hơn 35% so với cùng kỳ; các điểm còn lại như Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế... doanh thu giảm khoảng 50%. Bù lại, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 5,46%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,93% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất lúa, hoa, cây cảnh tăng 5,6% so với cùng kỳ…

 

Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, tuy một số ngành vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng nhưng do quy mô nhỏ bé nên cũng chỉ dừng ở mức độ nhất định.

“Trước đây, du lịch kích thích tất cả ngành kinh tế khác của thành phố, bây giờ bị tê liệt thì những ngành nghề khác hầu như cầm chừng. Mình khuyến khích bà con cố gắng sản xuất ổn định, đừng để lãng phí về đất đai, lao động chờ hết dịch bệnh sẽ tính tiếp chứ bây giờ cũng khó có giải pháp gì căn cơ cả” - bà Vân nói.

Tính đến năm 2019, ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 71% cơ cấu kinh tế TP.Hội An, thậm chí một số ý kiến cho rằng con số thực tế có thể hơn 90% vì hầu hết ngành khác từ nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng đến công nghiệp, sản xuất làng nghề… đều hướng đến phục vụ du lịch.

Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định, trong điều kiện hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Hội An phải xác định những mục tiêu quan trọng để duy trì tăng trưởng. Ngoài giữ vững sản xuất, quản lý hiệu quả các nguồn chi, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi… thì việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình chuyển tiếp, công trình trọng điểm được chú trọng.

“Hiện thành phố còn khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công, chúng tôi quyết tâm dồn hết cho các công trình trọng điểm như cầu Cẩm Nam, cầu Cẩm Kim, các bãi xe để vừa cải thiện cơ sở hạ tầng vừa chuẩn bị phục vụ du lịch sau này,  đồng thời qua đó cũng tạo công ăn việc làm, đưa thêm các giá trị gia tăng ra bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế” - ông Sơn nói thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế ở TP.Hội An: Tìm hướng xoay xở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO