(QNO) - Singapore sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2018 với ưu tiên phát triển nền kinh tế số tại khu vực.
Người tiêu dùng Singapore chuộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: todayonline |
Nền kinh tế số (dựa trên các công nghệ kỹ thuật số) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, góp phần tích cực cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng. Để khu vực nắm bắt tốt xu hướng của nền kinh tế số trong thời hội nhập, Thứ trưởng Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, Koh Poh Kooh tại cuộc họp ASEAN về số hóa (diễn ra vào ngày 19.6 tại Singapore) cho biết Singapore sẽ ưu tiên phát triển nền kinh tế số trước khi trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Thứ trưởng Koh Poh Kooh ước tính nền kinh tế kỹ thuật số tại khu vực có thể đạt 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó thương mại điện tử (e-commerce) chiếm khoảng 88 tỷ USD. ASEAN hiện là thị trường phát triển internet nhanh nhất thế giới và việc hợp tác để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực.
Singapore sẽ làm việc với các quốc gia thành viên khác của ASEAN để vạch ra quy tắc thương mại chung của khu vực trong phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, thúc đẩy kết nối kỷ thuật số sâu rộng hơn và giảm các rào chắn thương mại nội khối, thực hiện tự do thương mại điện tử và hỗ trợ việc mở rộng các công ty của ASEAN tại khu vực. Quy định đó có thể kết hợp cùng cơ chế hiện tại và những hiệp định thương mại mới.
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Singapore, S. Iswaran cho hay, cuộc cách mạng kỹ thuật số và những nền kinh tế số mới nổi sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối trên toàn khu vực và thế giới thông qua việc tích hợp kỹ thuật số trong khu vực, tạo ra dòng chảy xuyên biên giới của các dữ liệu cũng như cập nhật các phương pháp quản lý để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển. Singapore lên kế hoạch làm việc chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác trong khối để thực hiện cơ chế tự chứng nhận và cơ chế một cửa ASEAN. Cụ thể, cơ chế tự chứng nhận cho phép các nhà xuất khẩu được ủy quyền tự xác nhận rằng, hàng hoá của họ đáp ứng được các yêu cầu của ASEAN, còn cơ chế một cửa ASEAN giúp đẩy nhanh thông quan bằng việc trao đổi thông tin qua biên giới.
Singapore dẫn đầu phong trào phát triển nền kinh tế số hóa tại khu vực với các dự án như hệ thống nhận dạng và thanh toán không dùng tiền mặt. Các công ty tư nhân Singapore được khuyến khích ứng dụng với giải pháp về kinh tế số hóa. Singapore đang tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt khi hiện có 87% người dùng tại Singapore cho biết họ thích thanh toán điện tử (e-payment), tỷ lệ cao nhất tại ASEAN, theo nghiên cứu năm 2016 của Visa Consumer Payment.
Ngoài việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho nền kinh tế số ở các công ty, Singapore sẽ tạo điều kiện cho tất những người trẻ tuổi, kể cả những người cao tuổi nắm bắt các kỹ năng chuyên môn liên quan đến kinh tế số. Đây chính là thị trường mới tạo ra cơ hội việc làm, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, logistics, an ninh mạng. Phát triển kinh tế kỹ thuật số cũng là một trong những nội dung trọng tâm mà Singapore thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
NAM VIỆT