(QNO) - Đó là thông tin tại Hội thảo khoa học “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ngày 4/3 vừa qua.
Hội thảo thuộc Chương trình khoa học công nghệ quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025” do Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng phối hợp Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo PGS-TS. Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, hội thảo là hoạt động khoa học thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Mong muốn thời gian đến có thêm nhiều chương trình, nội dung hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các đại học - doanh nghiệp vì sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hội thảo tập trung thảo luận 3 nội dung trọng tâm: (1) Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế số: Cơ hội và thách thức; (2) Chuyển đổi số - Lộ trình, năng lực, rào cản và thách thức; Kinh nghiệm thế giới và bài học đối với Việt Nam; (3) Xu hướng phát triển kinh tế số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam không đứng ngoài xu thế phát triển kinh tế số toàn cầu. Các nghị quyết, văn bản của Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ định hướng: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kinh tế số là một trong ba trụ cột chính trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia (chính phủ số, kinh tế số và xã hội số), đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế với mục tiêu: Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025, định hướng phấn đấu tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP (khoảng 20 - 25%/năm) vào năm 2030.