Phát triển kinh tế tập thể: Chiến lược vì xã viên

NGUYỄN DƯƠNG 25/12/2015 10:06

Từ những kinh nghiệm làm kinh tế tập thể, các chuyên gia của tổ chức GIZ đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã (HTX) xây dựng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững.

Chương trình hợp tác 3 bên Việt Nam - Thái Lan - CHLB Đức (tổ chức GIZ) được triển khai từ năm 2014 ở miền khu vực Trung – Tây Nguyên, đến nay bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ của tổ chức GIZ, chương trình hợp tác này đã tổ chức 26 khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 693 lượt cán bộ liên minh HTX và HTX trong khu vực về kỹ năng tư vấn, kỹ năng quản lý điều hành, kế hoạch marketing… Bên cạnh đó, chương trình cũng đã tư vấn cho 12 HTX xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung hạn, trong đó có 4 HTX được hỗ trợ triển khai kế hoạch cụ thể; tổ chức 57 khóa đào tạo nghề cho gần 1.800 lao động nông thôn (có 7 khóa dành cho người khuyết tật với các nghề như mây tre đan, may công nghiệp, đan chổi, sửa chữa tàu thuyền…).

Được sự tư vấn, hỗ trợ từ dự án của GIZ, các HTX đang từng bước tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình trên thị trường.
Được sự tư vấn, hỗ trợ từ dự án của GIZ, các HTX đang từng bước tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình trên thị trường.

Phát huy sức mạnh tập thể

Ông Dusit Thongta (Cục Xúc tiến HTX Thái Lan) cho rằng, hiện nay các HTX của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Quảng Nam nói riêng đang còn nhỏ lẻ, manh mún, khó có thể tạo ra được sức mạnh tập thể như đúng bản chất của nó. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vì các HTX vẫn chưa thể xác định rõ vai trò của mình, làm cho các thành viên chưa đồng lòng, dẫn đến hiệu quả không cao. “Một trong những yếu tố chính mà các HTX ở Thái Lan áp dụng là xác định xã viên là người chủ của HTX. Mọi mục tiêu của HTX đều để phục vụ cho xã viên của mình. Những dịch vụ nông nghiệp, thủ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thành viên trong HTX, như vậy mới tạo được sự gắn kết của một tập thể…” - ông Dusit Thongta cho hay. Cũng theo ông Dusit Thongta, HTX cần phải biết cách sử dụng nguồn tài chính hợp lý, biết cách phân bổ vào những ngành trọng yếu rồi từ đó kéo theo những dịch vụ khác để làm phong phú hơn ngành nghề hoạt động. Đối với những HTX nhỏ, tiềm lực không đủ thì nên gộp lại thành một HTX lớn hơn, phong phú hơn và có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Từ đó có kế hoạch, chiến lược dẫn dắt, đưa HTX đi lên.

Còn theo ông Andreas Reinch (chuyên gia của tổ chức GIZ), ngoài chiến lược phát triển kinh doanh thì việc đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn cũng cần được chú trọng, bởi đây là những người trực tiếp làm ra sản phẩm của mỗi HTX nên có ý nghĩa rất quan trọng. “Việc đào tạo cần đi vào thực chất, tùy theo nhu cầu của người học và cả nhu cầu của thị trường” - ông Andreas Reinch nói. Từ những kinh nghiệm đó, trong 2 năm qua, dự án do tổ chức GIZ triển khai đã tập trung hỗ trợ các HTX những khóa tập huấn kỹ năng cần thiết để phát triển kinh tế như hỗ trợ HTX Phú Đông (Quảng Nam), HTX Phú Hồ (Huế), HTX Hòa Thắng 2 (Phú Yên) và HTX Bình Thanh Đông (Quảng Ngãi).

Xây dựng chiến lược phát triển

Theo ông Phạm Phú Đằng - Giám đốc HTX Phú Đông, sau hơn 2 năm tham gia các dự án của GIZ, HTX được tư vấn, hỗ trợ cách xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể để triển khai các kế hoạch theo từng năm. Bên cạnh đó, HTX đã thực hiện chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX thông qua các khóa tập huấn. Có 3 cán bộ được tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực quản lý điều hành HTX, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng marketing, kỹ năng viết dự án, tuyên truyền, giảng dạy… Hàng năm, ban giám đốc HTX đã họp, rà soát, điều chỉnh các chiến lược phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi triển khai một dịch vụ mới, HTX luôn đánh giá nhu cầu thị trường, thành viên và điều kiện của HTX để đảm bảo kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với HTX Phú Hồ của tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án của GIZ cũng hỗ trợ tư vấn lập kế hoạch chiến lược phát triển trung hạn với tầm nhìn “Phấn đấu đến năm 2019 có 90% thành viên hài lòng với dịch vụ của HTX”. Từ đó, ban lãnh đạo HTX đã xác định hỗ trợ thành viên là mục tiêu quan trọng nhất. “Ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Phú Hồ đánh giá rất cao ý nghĩa của việc lập kế hoạch chiến lược vì đã giúp HTX có hướng đi với mục tiêu rõ ràng, cụ thể. HTX chú trọng việc hỗ trợ tăng thu nhập cho thành viên thông qua chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa; tổ chức đào tạo và định hướng ngành nghề cho thành viên như nghề trồng nấm rơm, nuôi cá nước ngọt…” - ông Hồ Bạn, Giám đốc HTX Phú Hồ nói.

Ông Nguyễn Công - Trưởng đại diện Cơ quan thường trực Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhận xét, đối với từng HTX, dự án của GIZ đều có cách nhìn nhận riêng, từ đó thấy được tiềm năng và xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, không dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy được lợi thế của mỗi HTX. “Điều quan trọng là mọi dịch vụ của HTX đều được xây dựng xung quanh lợi ích của thành viên. Điều này hợp lý với những điều chỉnh trong Luật HTX 2012 của Việt Nam. Nghĩa là HTX phải hướng đến quyền lợi, lợi ích của thành viên trước hết” - ông Nguyễn Công nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế tập thể: Chiến lược vì xã viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO