Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Tiên Phước: Tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh

PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG 17/05/2021 06:29

Những năm qua, huyện Tiên Phước đẩy mạnh thực hiện Đề án 03 về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT), du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 – 2025”, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Năm 2021, huyện tiếp tục đăng ký với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn phát triển KTV, KTTT làm nhiệm vụ đột phá. 

Đề án 03 là cú hích giúp đời sống người dân Tiên Phước từng bước được cải thiện. Ảnh: H.H
Đề án 03 là cú hích giúp đời sống người dân Tiên Phước từng bước được cải thiện. Ảnh: H.H

Những kết quả nổi bật 

Mục tiêu chủ yếu của Đề án 03 là đẩy mạnh phát triển KTV, KTTT, xây dựng nhân rộng mô hình vườn mẫu, nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, văn hóa, truyền thống địa phương, xây dựng văn hóa làng quê, không gian vườn sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quản.

Trong 3 năm qua, huyện đã tranh thủ lồng ghép nhiều nguồn vốn với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng, quyết liệt triển khai các nội dung của đề án đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó có thể kể đến con số 1.168 hộ tham gia xây dựng mô hình trồng tiêu Tiên Phước và các loại cây ăn quả như lòn bon, măng cụt, sầu riêng, cau, bưởi, chuối, cam; 724 hộ thực hiện cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vườn nhà, trong đó có 522 vườn đạt tiêu chí vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Hiện toàn huyện có 160ha tiêu Tiên Phước (tăng 50ha so với năm 2015), doanh thu hơn 40 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với cây thanh trà, huyện đã hỗ trợ 43 mô hình trồng mới chuyên canh thanh trà trên diện tích 45ha và hỗ trợ hướng dẫn 28 mô hình chăm sóc thâm canh vườn thanh trà diện tích 25,5ha. Đến nay toàn huyện có 320ha thanh trà, sản lượng năm 2020 đạt 600 tấn quả, doanh thu hơn 9 tỷ đồng. Các loại cây trồng đặc sản của địa phương như lòn bon, măng cụt… cũng được khuyến khích khôi phục, phát triển mạnh, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Toàn huyện hiện có 76 trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ hoạt động theo mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, trang trại tổng hợp. Kết quả phát triển KTV, KTTT đã tạo ra các vùng nguyên liệu đa dạng, phong phú, hỗ trợ đắc lực cho thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay huyện có 10 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao.

Những giải pháp cụ thể 

Trong năm 2021, Tiên Phước tiếp tục chọn nhiệm vụ phát triển KTV, KTTT làm bước đột phá và đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện, với quan điểm phát triển KTV, KTTT trở thành mũi nhọn kinh tế của huyện, Huyện ủy và UBND huyện đã xây dựng, ban hành nhiều đề án, dự án, kế hoạch, huy động, lồng ghép nguồn lực tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 03 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Riêng đối với Đề án 03, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, đầu tư mở rộng diện tích các vùng sản xuất cây chủ lực, cây ăn quả điển hình trên địa bàn. Xây dựng vùng thanh trà Tiên Hiệp, Tiên Ngọc; vùng lòn bon (Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh); vùng cam, sầu riêng tại các xã vùng Sơn - Cẩm - Hà); vùng cau (Tiên Lãnh, Tiên Ngọc); vùng tiêu, măng cụt 6 xã vùng giữa; vùng dó bầu, quế ở 9 xã vùng cao...

Triển khai quy hoạch 5 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gồm các vùng sản xuất tập trung liên xã Tiên Châu - Tiên Hà, quy mô 442 ha; liên xã Tiên Hiệp - Tiên Ngọc, quy mô 470ha; Hang Dơi - Ồ Ồ - Vực Vin (xã Tiên An), quy mô 200ha; suối Ba Cây (xã Tiên Lãnh), quy mô 350ha; suối Dưa (xã Tiên Lập), quy mô 200ha.

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chú trọng đầu tư thủy lợi nhỏ, xây dựng, nâng cấp các hồ, đập đầu mối, tạo nguồn cấp nước trong mùa khô hạn; nghiên cứu ứng dụng nhiều loại hình tưới tiết kiệm nước, phù hợp với điều kiện địa hình ở từng vùng. Huyện đặt mục tiêu mỗi năm tăng thêm 20% diện tích vườn chủ động được nước tưới.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện chỉnh trang vườn, đạt tiêu chí vườn xanh sạch đẹp hiệu quả phục vụ phát triển du lịch sinh thái làng quê; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án nông nghiệp quy mô lớn tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch của huyện và của tỉnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Tiên Phước: Tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO