Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Cần lực hút đủ mạnh

TRẦN HỮU 19/04/2017 08:00

Không thiếu chủ trương, nghị quyết, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để thúc đẩy miền núi phát triển mọi mặt nhưng khu vực này vẫn chuyển biến chậm chạp với mục tiêu thoát nghèo bền vững. Vì vậy, tại cuộc thảo luận tổ Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh (khóa IX) diễn ra hôm qua 18.4, nhiều ý kiến đề xuất phải thay đổi chính sách giảm nghèo phù hợp, tìm nguồn lực thực hiện cơ chế...

HĐND tỉnh khảo sát sắp xếp dân cư tại xã Trà Leng (Nam Trà My) vào giữa tháng 3.2017.  Ảnh: TRẦN HỮU
HĐND tỉnh khảo sát sắp xếp dân cư tại xã Trà Leng (Nam Trà My) vào giữa tháng 3.2017. Ảnh: TRẦN HỮU

Nhiều năm nay, hàng loạt chương trình, chính sách, dự án quan tâm đến khu vực miền núi về giảm nghèo, đầu tư giáo dục, y tế, văn hóa, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trọng tâm là Nghị quyết 30a, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, chương trình 134 kéo dài; chương trình di dân, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số...  Ở phạm vi cấp tỉnh có Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Điểm sáng nhất của miền núi là thay đổi lớn kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, hình thành mạng lưới giao thông kết nối trục đông - tây và một số trục giao thông bắc - nam, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển sản xuất của người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực. Tuy nhiên, lực cản của miền núi nằm ở chỗ tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% như Nam Trà My (64,4%), Nam Giang (52,3%). Một số chính sách có giai đoạn thực hiện ngắn, đầu tư còn trùng lắp mục tiêu, đối tượng, nội dung đầu tư hỗ trợ. Các chính sách cũng như hỗ trợ trực tiếp thông qua các chương trình đầu tư phát triển vẫn chưa mang lại cơ hội phát triển cho cộng đồng dân cư toàn vùng...

Thay đổi chính sách giảm nghèo

Cần 500 tỷ đồng cho phát triển vùng tây

Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, miền núi cần 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ đầu tư 5 nhóm dự án phát triển vùng tây theo Nghị quyết 05-NQ/TU. Ngoài ra, các địa phương miền núi sẽ huy động những nguồn lực đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước bằng cách lồng ghép vốn đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư - PPP...

Năm 2012, thời điểm chưa thực hiện Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND tại 9 huyện miền núi chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2016, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng không đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Miền núi loay hoay giải quyết bài toán thoát nghèo, đào tạo lao động... Thực tế, nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng... thất nghiệp. HĐND tỉnh đã có nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất phù hợp với điều kiện miền núi nhưng đến nay rất ít nhà đầu tư mặn mà vì cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ chế chính sách chưa hấp dẫn. Nghịch lý ở chỗ, Nghị quyết số 12 chỉ có chính sách khuyến khích nghề may và đã giao chỉ tiêu lao động năm 2017 nhưng tỷ lệ đăng ký học nghề rất thấp. Theo các địa phương miền núi, cần có cơ chế khuyến khích thêm những ngành nghề mà địa phương có nhu cầu, đào tạo lao động tại chỗ, ngành nghề tại chỗ mới phát huy hiệu quả.  Đào tạo nghề dứt khoát phải có việc làm.

Theo ông Đỗ Tài - Bí thư  Huyện ủy Đông Giang, nghị quyết đưa chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7% đối với địa phương là rất khó thực hiện, bởi kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông trên địa bàn vừa yếu vừa thiếu. Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị, phải thay đổi chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ cái gì nên đối thoại với người nghèo. “Chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã đi “quá đà”, ví như công trình xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho người nghèo Nhà nước cũng làm thay cho dân. Nguồn hỗ trợ nếu không hiệu quả chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”. Cho nên tiền hỗ trợ phải dành cho những người tổ chức, đơn vị giúp người dân thoát nghèo ” - ông Ca nói.  Còn ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, bây giờ không thể dùng tiền bao cấp “nuôi nghèo”. Khảo sát tỷ lệ nghèo gần đây chủ yếu thiếu dịch vụ xã hội cơ bản, chứ ít rơi vào tình trạng nghèo do thiếu thu nhập. Về cơ chế thưởng trực tiếp cho đối tượng thoát nghèo cũng cần cân nhắc cẩn thận để chủ thể hưởng lợi sử dụng đúng mục đích đồng tiền. Góp ý cho nghị quyết “Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020”, bà Trần Thị Bích Thu - Phó Trưởng ban Văn hóa HĐND tỉnh đồng ý mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ phát triển các điều kiện sinh kế thông qua mua sắm các phương tiện sản xuất kinh doanh. Đối tượng hộ cận nghèo cần cam kết vượt qua chuẩn cận nghèo để thoát nghèo bền vững được hưởng các chính sách hỗ trợ về y tế, tín dụng như hộ nghèo cam kết thoát nghèo...

“Cách nghĩ khác” về miền núi

Về giải pháp sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị, nên sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép nhưng phải khảo sát thực tế cụ thể, tính toán đến đất sản xuất; hạn chế thấp nhất việc cày ủi, san lấp mặt bằng. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh, quy hoạch dân cư phải tuân thủ nguyên tắc gắn với phát triển sản xuất và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định dân cư tại chỗ nhưng phải bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn bà  Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào miền núi rất khó do thủ tục hành chính rườm rà. Cần tuyên truyền có hiệu quả các mô hình phát triển, chính sách hỗ trợ cho người dân thoát nghèo.

Nhiều người dân miền núi cải thiện thu nhập nhờ các chương trình hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.D
Nhiều người dân miền núi cải thiện thu nhập nhờ các chương trình hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.D

Góp ý cho Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng đất sản xuất nông nghiệp của các huyện miền núi không lớn và manh mún, khó ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác nên cần có giải pháp khuyến lâm, hỗ trợ các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, khai thác, chế biến các loại cây trồng dưới tán rừng. Không nên khuyến khích trồng cây tiêu, cao su là cây chủ lực vì thực tế hiện nay 2 loại cây này đã bão hòa trên thị trường. Đối với các huyện miền núi không nên khuyến khích trồng lúa nước vì năng suất thấp. Định hướng phát triển nông - lâm - thủy sản như hiện nay là chưa phù hợp, cần đổi lại theo hướng lâm - nông - thủy sản vì một số nơi do biến đổi khí hậu nên đất trồng lúa, làm rẫy không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, phát triển chăn nuôi trâu bò hiện nay không phải là thế mạnh của các huyện miền núi vì không có đất chăn thả. Do vậy, nên hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ, hoặc chăn nuôi bò heo thả dưới tán rừng. Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, định mức hỗ trợ đất sản xuất cần xem xét lại, vì người dân sử dụng tiền không đúng mục đích. Phương án hỗ trợ thoát nghèo nên kết hợp hình thức hỗ trợ cho cộng đồng vừa trực tiếp cho người dân vì tạo ra cơ chế đột phá trong giảm nghèo nhanh.

Tại thảo luận nhóm, các ý kiến thống nhất cao với chủ trương phát triển cây dược liệu ở miền núi, tuy nhiên trước mắt nên xác định một số cây dược liệu cụ thể. Đề án phát triển cây quế Trà My chưa có định hướng phát triển lâu dài, nhất là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm tinh dầu quế.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Cần lực hút đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO