Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Giang: Nhiều giải pháp trọng tâm

CÔNG TÚ (thực hiện) 03/02/2023 07:41

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang có cuộc trao đổi với PV Báo Quảng Nam những mục tiêu cụ thể của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Khơi dậy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo từ nông - lâm nghiệp cho người dân được huyện Đông Giang chú trọng thực hiện. Ảnh: C.T
Khơi dậy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo từ nông - lâm nghiệp cho người dân được huyện Đông Giang chú trọng thực hiện. Ảnh: C.T

- Thưa ông, Đông Giang đặt những mục tiêu trọng tâm gì về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023?

Ông A Vô Tô Phương.
Ông A Vô Tô Phương.

- Ông A Vô Tô Phương: Với chủ đề “Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế kéo dài; tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính; quyết tâm nâng cao thứ bậc cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu”, năm 2023, chúng tôi chú trọng triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phấn đấu xóa 300 nhà tạm; sắp xếp ổn định dân cư đối với 70 hộ có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ quét theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Cùng với đó, Đông Giang nỗ lực duy trì 2 xã nông thôn mới, 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng 2 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 6%; đưa thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm.

Huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các dự án có tính chất đột phá để phát triển; tổ chức các hoạt động và thực hiện hoàn thành các dự án, nhất là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập và 20 năm tái lập huyện Đông Giang. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao được ưu tiên.

Ngoài hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp thôn Bốn (xã Ba), huyện tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn chuyển dịch cơ cấu lao động. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản…

- Địa phương gặp những khó khăn, thách thức nào trong việc thực hiện các mục tiêu này?

- Ông A Vô Tô Phương: Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Quyết định số 1719 của Chính phủ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 2021 - 2025 đưa mức chỉ tiêu phấn đấu thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Đây là chỉ tiêu không dễ đạt được so với thực tế ở địa phương.

Việc quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí dân cư tại khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; giải quyết đất ở; xóa nhà tạm; giải quyết sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng là thách thức đáng kể.

Đơn cử, qua rà soát năm 2020, bình quân thu nhập đầu người là 26,2 triệu đồng/năm. Như vậy, đến năm 2025 phải nâng mức thu nhập của người dân lên 52,4 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, đời sống người dân phần lớn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp; quy mô sản xuất thì nhỏ lẻ, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Huyện chưa thu hút được doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ vào địa bàn để làm đầu tàu, liên kết với nhân dân mở rộng chuyển đổi sản xuất. Diện tích đất nông nghiệp lớn, song phần lớn có độ dốc cao, không có giải pháp nước tưới.

Việc sắp xếp ổn định dân cư sẽ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, đặc biệt đối với hộ gia đình có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt. Thực tế, huyện còn nhiều gia đình sinh sống trên sườn đất dốc có nguy cơ cao, nhất là xã A Rooi còn không ít trường hợp thuộc diện này.

Tuy nhiên, khó khăn là một số thôn có độ dốc cao, không có quỹ đất để xen ghép. Do đó, chúng tôi kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung để giải quyết khó khăn cho Đông Giang nói riêng, các huyện miền núi nói chung.

- Từ những khó khăn đã được nhận diện, địa phương đặt ra những giải pháp gì để tháo gỡ?

- Ông A Vô Tô Phương: Trước mắt là phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân có ý chí phấn đấu và quyết tâm, chịu khó lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các dự án, tiểu dự án liên quan đến đời sống, sinh kế của người.

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo.

Huyện cũng chú trọng trồng rừng gỗ lớn theo tinh thần Quyết định số 14 của UBND tỉnh, xem đây là giải pháp mang tính bền vững và trọng tâm đối với diện tích đất nông nghiệp có độ dốc lớn, không có nguồn nước.

Chuyển đổi cây keo sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây quế cao sản có chu kỳ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian khai thác. Dự kiến quý I/2023, huyện sẽ thành lập đoàn ra Yên Bái để tham quan, học hỏi các mô hình trồng quế cao sản để về áp dụng tại địa phương.

Cạnh đó, Đông Giang chú trọng chuyển đổi nghề từ lĩnh vực nông - lâm nghiệp sang phi nông nghiệp bằng tăng cường đào tạo nghề; chủ động đề xuất, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Ngoài ra, địa phương sẽ xúc tiến kêu gọi, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào dịch vụ, du lịch sinh thái. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làm sao cho các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu trở thành hàng hóa phục vụ du lịch…

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Giang: Nhiều giải pháp trọng tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO