Các động lực tăng trưởng kinh tế (thuế, giải ngân, xuất khẩu) đều giảm sút. Làm gì để có thể vực dậy sự phát triển nền kinh tế địa phương đang là bài toán khó giải khi chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2023.
Kinh tế vẫn ảm đạm
Hơn 41.400ha lúa hè thu đã bắt đầu trơ gốc rạ trên các cánh đồng. Lúa phơi đầy trên các ngã đường thôn, xóm. Vụ lúa hè thu sẽ kịp khép lại trước mùa mưa bão.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích nói, ngày 15/9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa đã gieo trồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản hay lâm nghiệp ổn định, khống chế được dịch bệnh. Hy vọng ngành nông nghiệp sẽ tăng đến 7,7%, cứu đà sụt giảm tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn.
Không riêng nông nghiệp, các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, kho bãi... đều có dấu hiệu hồi phục rõ ràng trong tháng 8. Sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,6% (ngành chế biến, chế tạo tăng 13,9%).
Chỉ số sử dụng lao động tăng 0,3%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa (chiếm 75,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng) tăng 10,3%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trí du lịch tháng 8 ước đạt 0,8 triệu lượt (tăng 23%). Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm sáng le lói, không đủ lực để vực dậy nền kinh tế suy thoái nhiều tháng qua.
Không như dự báo tăng trưởng của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, thống kê cho thấy ngành du lịch phục hồi khá tốt, lượng khách tăng, nhưng chi tiêu hạn chế (hoặc bị cắt giảm) nên doanh thu toàn ngành vẫn chưa thể gia tăng.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng sản xuất công nghiệp vẫn chưa thể tăng trưởng mạnh. Số lượng doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm...
Nhiều doanh nghiệp rất khó để duy trì sản xuất, thậm chí phải chuyển nhượng doanh nghiệp, rời bỏ thị trường. Dù sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng, nhưng nhu cầu tiêu dùng giảm, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp gia tăng những tháng đầu năm quá lớn, nên chỉ số sản xuất 8 tháng qua đã giảm 30,1% so cùng kỳ năm 2022 (chế biến, chế tạo giảm 32,2%) và chỉ số sử dụng lao động giảm 8,8%. Sự suy kiệt của nền kinh tế thấy rõ thông qua tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (34%), thu ngân sách giảm 42% (bằng 47% dự toán).
Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giảm 29,7% (xuất khẩu giảm 19,7% - 1,2 tỷ USD; nhập khẩu giảm 36,59% - 1,3 tỷ USD). Thu hút đầu tư (FDI, nội địa) đều giảm. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và tạm dừng ngang nhau (834/840), thu hút 1 dự án FDI thì đã phải mất 3 dự án bị thu hồi. Dòng vốn ngân hàng bị nghẽn.
Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, tăng trưởng dư nợ đến 106.000 tỷ đồng, tăng 4,4%. Tuy nhiên có đến 18/30 chi nhánh ngân hàng tăng trưởng âm. Lãi suất hạ, nhưng doanh nghiệp thiếu đầu ra, dẫn đến nhu cầu vốn không cao.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tài chính yếu, thiếu dự án hoặc dự án không khả thi, không đủ điều kiện, nhất là chưa có một khoản vay nào từ gói 120.000 tỷ đồng của chính sách nhà ở công nhân được giải ngân. Giới ngân hàng có muốn bơm vốn ra nền kinh tế cũng không thể thực hiện được.
Cần nỗ lực và tăng cường trách nhiệm
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thu thuế theo thống kê hiện tại thấp, nhưng số thuế tiêu thụ đặc biệt gia hạn lũy kế khoảng 2.680 tỷ đồng chưa thu thì tiến độ thu thuế vẫn đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Chậm nhất đến 30/11/2023, số thuế này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Chưa có dấu hiệu gì liên quan đến hụt thu nên trong cân đối ngân sách chưa có bất cứ điều chỉnh gì. Cục trưởng Cục Thuế - Nguyễn Văn Tiếp nói, trong vòng 3 tháng qua, Trường Hải đều nộp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi tháng. Dự toán ngân sách sẽ đạt, có thể vượt dự toán nếu đẩy mạnh thu sử dụng đất đúng như kế hoạch (2.300 tỷ đồng).
Có thể thu ngân sách sẽ đạt dự toán. Tuy nhiên, các động lực chính yếu sẽ thực hiện như thế nào khi có quá nhiều yếu tố bất lợi. Khảo sát, điều tra của các cơ quan quản lý cho thấy không chỉ số doanh nghiệp gia nhập và rời bỏ thị trường ngang nhau mà niềm tin kinh doanh còn tiếp tục suy giảm. Có hơn 50% số doanh nghiệp không hy vọng gì đến sự thay đổi của thị trường, thậm chí sẽ còn giảm sút, không biết toan tính thế nào cho sản xuất hay kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quang Thử, đầu tư công không thể giải cứu tăng trưởng, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển khi tốc độ giải ngân tháng 8 chỉ tăng 7,2% so tháng trước. Thông lệ, đến 31/8, nếu giải ngân dưới 60% thì sẽ phải điều chỉnh mà nay không biết chuyển đi đâu khi cả 3 ban đầu tư chuyên nghiệp cũng giải ngân dưới 40%.
Nguy cơ trả vốn về Trung ương khá cao (khoảng 2.000 tỷ đồng). Chỉ còn một yêu cầu duy nhất là các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hết mình, triển khai các dự án có khối lượng để hấp thụ vốn, góp phần vào tăng trưởng địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sự sụt giảm ngân sách, giải ngân hay một số chỉ tiêu quan trọng thấp hơn bình quân cả nước là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, đây cũng là điều sẽ được nhận thức để quyết tâm lớn hơn, cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Một trong những yêu cầu của chính quyền là các sở, ngành hợp lực nắm bắt tình hình, tháo gỡ nhanh nhất các vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền để họ có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch từng tháng... Đó là những giải pháp trọng yếu từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, tất cả sở, ngành, địa phương phải chủ động phòng tránh thiên tai, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp theo kế hoạch cụ thể để bảo vệ “thành quả mong manh” hiện có của nền kinh tế.
“Những tháng cuối năm còn khó khăn hơn khi thời tiết sẽ bất lợi. Không thể kỳ vọng và cũng không thể nào tháo gỡ hết khó khăn của đầu tư công hay nền kinh tế, nhưng phải nỗ lực, tăng cường trách nhiệm để đạt các kế hoạch phát triển, tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Bảo đảm ít ra thu cho đạt dự toán và gia tăng hết mức tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có thể, hạn chế thấp nhất việc mất vốn đầu tư...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.