Nghị quyết 88 ngày 18.11.2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được khởi động trên địa bàn Quảng Nam. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 88 là tạo sự đổi thay toàn diện đời sống người dân vùng được đầu tư.
Miền núi khởi động
Ban Dân tộc tỉnh đã khảo sát, hướng dẫn các huyện miền núi lập kế hoạch, khái toán kinh phí thực hiện Nghị quyết 88 (NQ88) từ năm 2021 để báo cáo UBND tỉnh. Tại huyện Nam Giang, dự kiến kinh phí thực hiện các nội dung, dự án thuộc NQ88 hơn 375 tỷ đồng; huyện Phước Sơn hơn 282 tỷ đồng.
Nguồn vốn này sẽ thực hiện 10 dự án thành phần gồm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển vùng trồng dược liệu quý; đầu tư hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bình đẳng giới; phát triển nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; truyền thông vận động...
NQ88 được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy, sức bật mạnh mẽ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới. Có 10 dự án thành phần của NQ88, bao hàm mọi lĩnh vực cần đầu tư ở miền núi.
Ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã Phước Năng (Phước Sơn) nói: “NQ88 là cơ hội cho các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi được đầu tư hạ tầng, người dân được đầu tư chỗ ở, sản xuất... Nhu cầu của xã Phước Năng về mặt bằng, chỗ ở cho người dân cũng như hạ tầng để phát triển rất cần thiết. Chúng tôi kỳ vọng khi thực hiện NQ88 sẽ tạo sự thay đổi lớn về mọi mặt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Kiến nghị đầu tư sát thực tế
Ông Hồ Văn Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, việc hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở hộ nghèo đảm bảo mục tiêu “3 cứng” cần kinh phí lớn. Trong khi đó một số nội dung kinh phí sự nghiệp các dự án khác có khả năng không thực hiện hết.
Vì vậy huyện Phước Sơn kiến nghị điều chỉnh giảm nguồn các dự án có khả năng không thực hiện hết để chuyển kinh phí sang hỗ trợ nhà ở. Các dự án đề nghị giảm kinh phí gồm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề, thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
“Việc điều chuyển này không làm tăng tổng nguồn kinh phí đầu tư cả giai đoạn. Nhu cầu bố trí tái định cư và làm nhà ở cho người dân ở Phước Sơn rất cần thiết nên tôi mong Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh xem xét”.
Trong khi đó, huyện Nam Giang kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh một số danh mục đầu tư năm 2022 và cả giai đoạn 2022 - 2025.
Ông AViết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Năm 2022, huyện kiến nghị điều chỉnh danh mục từ khu tái định cư thôn Công Tờ Rơn 1 (xã La Dêê) thành khu tái định cư thôn Tà Đắc (xã Tà Bhing) vì Công Tờ Rơn 1 là khu tái định cư trọng điểm của huyện, tập trung 90 hộ dân, nguồn đầu tư lớn nên sẽ xin đầu tư từ nguồn khác; điều chỉnh bổ sung danh mục cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã La Dêê từ trạm y tế sang trường mẫu giáo xã vì bức thiết hơn...
Năm này, huyện cũng đã lập kế hoạch lồng ghép vốn thực hiện các chương trình nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao hơn trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững, tạo động lực phát triển toàn diện”.
Ngoài ra, Nam Giang cũng kiến nghị giai đoạn 2022 - 2025, điều chỉnh đầu tư chuyển đổi số cho các trường phổ thông dân tộc bán trú; bổ sung danh mục đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Thạnh Mỹ; bố trí vốn đầu tư từ năm 2023 sang 2022 của danh mục tuyến ĐH3 và ĐH4 Nam Giang, do các tuyến hư hỏng nhiều, cần được đầu tư để nhân dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương phát triển để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xác định vùng ưu tiên đầu tư
Tại cuộc làm việc với 2 huyện Phước Sơn, Nam Giang vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu khi thực hiện NQ88 bám sát nguyên tắc các mục tiêu, định mức, tiêu chí đã được quy định và bám quy hoạch chung của huyện, xã. Danh mục đầu tư phải sát với tình hình, phù hợp với khả năng huy động, lồng ghép nguồn vốn, kết nối liên vùng, danh mục theo 10 dự án, xây dựng xuyên suốt cả giai đoạn...
Từ đó không để mất an toàn trong cân đối vốn, không dàn trải, hướng đến hiệu quả sau đầu tư là người dân được thụ hưởng từ chương trình. Đối với các dự án tái định cư, miền núi cần tính toán vị trí phải lâu dài, đảm bảo yếu tố bền vững cho người dân.
Cần xác định đúng vùng đầu tư là đặc biệt khó khăn và đối tượng thụ hưởng. Ưu tiên đầu tư cho các vùng làm đòn bẩy kích thích lan tỏa, tập trung vùng khó khăn hơn so với mặt bằng chung trong nhóm đặc biệt khó khăn.
Với kiến nghị của các huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khẳng định, không thể điều chuyển vốn từ dự án này qua dự án khác, chỉ điều chỉnh các tiểu dự án của cùng 1 dự án.
Nhưng nếu mục tiêu sắp xếp dân cư hết sức cần thiết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị, khi Chính phủ đồng ý mới thực hiện được. Trước mắt thực hiện như danh mục, dự án đã được lập kế hoạch. Các huyện kiến nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ 15% vốn đối ứng, trước mắt chưa được, nhưng UBND tỉnh sẽ đề nghị HĐND tỉnh xem xét khi nguồn lực của huyện miền núi quá khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng lưu ý các huyện phải cân đối nguồn ngân sách đối ứng để đầu tư, huy động vốn xã hội hóa hiệu quả, vì 15% ngân sách huyện đảm bảo trong toàn tỉnh gần 450 tỷ đồng là con số lớn. Các huyện cần ưu tiên hoàn thành hồ sơ sớm để thi công công trình trước mùa mưa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư đảm bảo.