Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và cần đến gần 80 nghìn tỷ đồng để cụ thể hóa kế hoạch phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, mục tiêu cuối cùng là phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
Qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng.
Năm 2022 là năm thứ hai cả nước thực hiện “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025” và “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phê duyệt. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 119,4 nghìn héc ta, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt gần 47 triệu cây.
Về kinh tế, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 - 5,5%/năm. Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD.
Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ nằm trong tầm tay, bởi sau khi cán đích mốc 14,8 tỷ USD vào cuối năm 2021 (tăng 19,7% so với năm 2020), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng trên 20% trong năm nay.
Hoạt động khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu do nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tăng cao, bên cạnh đó giá xăng dầu leo cao, chi phí vận chuyển lớn nên các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, từ đó thúc đẩy hoạt động khai thác gỗ phát triển.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành xác định tập trung đầu tư, phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên hết chuỗi giá trị bền vững gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng.
“Nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, là “chìa khóa” phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững” – ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.