Tranh thủ lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nhiều địa phương của huyện Phú Ninh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp từ kinh tế vườn rừng với nhiều mô hình hiệu quả.
Cải tạo vườn tạp
Xã Tam Thái (Phú Ninh) có diện tích đất tự nhiên hơn 1.490ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 240ha, còn lại là đất gò đồi thuận tiện cho việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia trại, trang trại. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp gắn với chỉnh trang khuôn viên nhà ở theo tiêu chí nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, đến nay toàn xã có hàng trăm hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh, cây dược liệu… Qua đó, vừa giúp khai thác có hiệu quả diện tích đất vườn đồi vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống cho người nông dân.
Theo Hội Nông dân xã Tam Thái, đến nay trên địa bàn xã đã cải tạo chỉnh trang trên 670 vườn; trong đó có trên 139 vườn trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 15 - 20 triệu đồng. Đồng thời hội tham gia vận động nhân dân di dời trên 70 chuồng trại chăn nuôi ra sau nhà đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đơn cử như ở thôn Hòa Bình, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân không chỉ tham gia hiến đất đai, hoa màu để mở rộng đường giao thông mà còn tự giác chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, cải tạo vườn tạp… Đến nay, toàn thôn có khoảng 70 vườn cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình như hộ ông Trương Văn Phú, gần 5.000m2 đất vườn trước chủ yếu trồng hoa màu thì nay đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng các loại cây ăn quả như vú sữa, mít, xoài, ổi, thanh long… đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Ông Phú chia sẻ: “Chủ trương xây dựng NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu đã động viên và khuyến khích người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập”.
Ông Phan Văn Phẩm - Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt 117,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hằng năm đạt 2,8%. Trong đó, ngành chăn nuôi của xã phát triển theo hướng gia trại với 42 gia trại chăn nuôi có hiệu quả, trong đó có 5 gia trại đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, kinh tế vườn, phong trào cải tạo vườn tạp phát triển mạnh, đến nay có 139 vườn được cải tạo trồng cây ăn quả các loại và cây hồ tiêu, với tổng diện tích 9,25ha; thành lập mới được 5 hợp tác xã, nâng tổng số tổ hợp tác, hợp tác xã lên 7, từng bước triển khai chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi đối với một số sản phẩm có lợi thế…
Ưu tiên phát triển kinh tế vườn
Ông Lê Hồng Quân - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái cho biết, trong 5 năm đến, xã xác định phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Trong nông nghiệp cần tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng giá trị gia tăng cao gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tập trung cải tạo vườn tạp, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, xã sẽ rà soát và lập kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh công tác cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn điểm gắn với giá trị kinh tế cao; tập trung định hướng phát triển các vườn trồng hoa, cây cảnh, lan.... để tăng thu nhập. Mỗi năm, xã phấn đấu vận động ít nhất 30 vườn được cải tạo mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với một số loại cây ăn quả chủ lực của địa phương...
Nhìn nhận về lợi thế của địa phương, ông Huỳnh Ngọc Bình - Bí thư Đảng ủy xã Tam Dân (Phú Ninh) cho rằng, xã có lợi thế về đất đai và nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên việc phát huy thế mạnh này đến nay vẫn còn khiêm tốn. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh tập trung quyết liệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành, thu hút sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tam Dân tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế vườn, kinh tế gia trại đạt tiêu chí xã NTM, tạo điều kiện hỗ trợ để nhân dân đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế vườn có giá trị kinh tế cao.
“Để phát triển tốt kinh tế vườn, xã sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển rừng trồng cho năng suất cao phục vụ công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai phương án trồng rừng gỗ lớn một số diện tích rừng đầu nguồn đập Đá, hồ Hố Lau gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng…” - ông Huỳnh Ngọc Bình cho hay.
Được biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tam Dân đã vận động nhân dân cải tạo 377 vườn tạp gắn với chỉnh trang khuôn viên nhà ở theo tiêu chí NTM kiểu mẫu, đã hỗ trợ nguồn kinh phí 780 triệu đồng để cải tạo 260 vườn, giá trị kinh tế bình quân 120 triệu đồng/ha/năm.