Năm năm trở lại đây, nhờ tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động, linh hoạt trong sản xuất – kinh doanh nên nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) của tỉnh có bước phát triển, nhưng vẫn cần môt cú hích để phát triển bền vững.
Hàng năm, HTXNN Đại Minh (Đại Lộc) liên kết sản xuất và cung ứng ra thị trường 1.000 tấn giống lúa. Ảnh: VĂN SỰ |
Bước chuyển tích cực
Ông Ngô Văn Phi – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXNN Đại Minh (Đại Lộc) cho biết, ngày 15.9.2015 HTX tiến hành đại hội chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Sau khi chuyển đổi, đơn vị tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời hoạch định rõ chiến lược sản xuất - kinh doanh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Theo ông Phi, những năm gần đây, bình quân mỗi năm HTX liên kết với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tổ chức cho nông dân trên địa bàn sản xuất hơn 310ha hạt giống lúa thuần và thu mua, cung ứng ra thị trường 1.000 tấn lúa giống có chất lượng tốt. Cùng với đó, thời gian qua HTXNN Đại Minh cũng thực hiện bài bản khâu quản lý chợ nông thôn và một số loại hình dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, điện tưới đất màu, thủy lợi… “Từ lúc chuyển đổi mô hình hoạt động đến nay, đơn vị chúng tôi có bước phát triển rõ nét. Theo ước tính, năm 2018 này tổng doanh thu của HTX sẽ đạt gần 9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ít nhất là 150 triệu đồng” – ông Phi chia sẻ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để mô hình HTXNN phát triển nhanh, mạnh và bền vững, ngoài việc ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp, hỗ trợ những kênh vốn vay ưu đãi thì các ngành, các cấp cần chú trọng công tác tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX. Đây được xem là đòi hỏi bức thiết, bởi nếu có nhiều tiền nhưng trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế thì rất khó xây dựng bài bản kế hoạch sản xuất – kinh doanh và quản lý, điều hành hoạt động. |
Ông Trần Thanh Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 93 HTXNN kiểu cũ chuyển đổi mô hình hoạt động. Theo ông Diệp, ngoài việc thực hiện tốt những gói dịch vụ theo yêu cầu của hộ thành viên như thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư phân bón, tín dụng nội bộ, phòng trừ sâu bệnh, tiêm phòng gia súc... thời gian qua hầu hết HTX chuyển đổi đã biết vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất bắp giống, lúa giống phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất những ngành hàng có thị trường ổn định và phát triển thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mới. Ông Diệp nhìn nhận: “Trong số 93 HTXNN đã chuyển đổi mô hình hoạt động, những năm qua có nhiều đơn vị rất thành công trong sản xuất – kinh doanh như các HTXNN Ái Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Thắng, Điện Quang, Điện Minh 2, Điện Phước 1, Duy Hòa 2, Quế Phú, Bình Đào…”.
Sau khi Luật HTX năm 2012 ban hành, mô hình HTX kiểu mới với nhiều tính ưu việt đã trở thành lựa chọn của không ít người, đặc biệt là những thanh niên trên con đường lập nghiệp bằng nhiều cách làm đa dạng và hiệu quả, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2013 đến nay Quảng Nam đã thành lập mới 92 HTXNN kiểu mới. Điểm chung của đội ngũ quản lý ở các HTX này là sự sáng tạo, có nền tảng kiến thức vững vàng, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, mạnh dạn đầu tư và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt là quan tâm đến việc tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ của HTX đều xuất phát từ việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và có định hướng hoạt động rõ ràng. Theo ông Trần Thanh Diệp, nhiều HTX do thanh niên quản lý bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng với địa phương giải quyết cơ bản các vấn đề tồn tại về giá cả, sức cạnh tranh, việc làm cho người lao động. Điển hình là HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức); HTXNN Thu Bồn, HTX Duy Đại Sơn (Duy Xuyên); HTX thực phẩm sạch Phú Ninh; HTX chăn nuôi gia cầm, thủy sản Vũng Xốp, HTXNN hữu cơ Tiên Châu (Tiên Phước).
Qua thống kê cho thấy, năm 2017 doanh thu bình quân của 1 HTXNN trên toàn tỉnh đạt xấp xỉ 7,9 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân đạt 241 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trước thời điểm Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, doanh thu bình quân của 1 HTXNN chỉ đạt hơn 3,9 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân 98 triệu đồng/năm.
Cần gỡ vướng nhiều khâu
Ông Trần Thanh Diệp cho rằng, một số HTXNN sau khi chuyển đổi vẫn còn lúng túng trong định hướng hoạt động, phương thức sản xuất - kinh doanh chưa có sự thay đổi rõ nét. Theo ông Diệp, do các HTX này khi chuyển sang cơ chế mới đều ở điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất yếu kém, thiếu vốn hoạt động, nợ nần, không có bạn hàng, đối tác để liên doanh, liên kết nên chỉ tổ chức một số dịch vụ trên cơ sở các công trình từ HTX cũ (chủ yếu là thủy nông). Đặc biệt, năng lực quản lý của HĐQT yếu, thiếu tầm nhìn, thiếu kế hoạch sản xuất - kinh doanh nên hiệu quả mang lại thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là đa số thành viên HĐQT là người lớn tuổi, trình độ chuyên môn hạn chế và không còn xông xáo, nhiệt huyết như trước đây. “Có thể nói, kiến thức, kỹ năng lập chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là thách thức rất lớn đối với không ít HTXNN sau khi chuyển đổi. Một số HTX không có điều kiện để tiếp tục hoạt động, không tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc nên có nguy cơ phải giải thể như các HTXNN Bình Trung 5, Bình Quý 1, Bình An 1, Duy Hòa 1, Điện Trung…” – ông Diệp chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều HTX mới thành lập trong giai đoạn 2013 - 2017 nhưng hoạt động cũng cầm chừng, dịch vụ còn đơn điệu, chưa xác định rõ phương án sản xuất – kinh doanh ngay từ đầu, nhất là ở những đơn vị có cán bộ quản lý tương đối lớn tuổi như HTX Chăn nuôi Đông Sơn (Quế Sơn); HTXNN Phú Phong, HTXNN Bình Hải (Thăng Bình); HTXNN Tam Lãnh, HTXNN Tam Đàn, HTX An Bình Minh, HTX Sinh vật cảnh Phú Ninh (Phú Ninh), HTX DVNN Tam Anh 1 (Núi Thành), HTXNN Kỳ Anh (Tam Kỳ)…
Cách đây không lâu, tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về tình hình phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu của sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, người nông dân sản xuất nhỏ, đơn lẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, phát triển kinh tế hợp tác, HTX mà nòng cốt là HTXNN là yêu cầu khách quan, cấp thiết để đảm bảo cho kinh tế nông nghiệp của Quảng Nam phát triển bền vững. Theo ông Bảo, trong quá trình phát triển nhất thiết tỉnh phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. “Thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục củng cố, đổi mới mô hình HTXNN cả về tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đẩy mạnh việc phát triển các loại hình dịch vụ mới phục vụ sản xuất và đời sống cho thành viên HTX và người dân trên địa bàn như thú y, bảo vệ thực vật, tiêu thụ nông sản, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường... nhằm đem lại lợi ích cho thành viên, hộ nông dân và không ngừng tích lũy cho kinh tế tập thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội” – ông Bảo nói.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai một số chính sách liên quan đến phát triển mô hình HTXNN do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 18.8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị từng địa phương, nhất là chính quyền cấp huyện, xã phải khẩn trương xây dựng đề án phát triển HTXNN gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Trong đó, cần rà soát, đánh giá thực trạng HTXNN, giải quyết cơ bản đảm bảo các điều kiện hoạt động của HTX về đất đai, nhân sự điều hành và định hướng phát triển...
NGUYỄN SỰ